Thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Ngày 9/4, cùng với Lễ Giỗ chính tổ chức ở Phú Thọ, hàng triệu người con đất Việt tại các tỉnh, thành cùng dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng ảnh 1Quang cảnh lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại công viên Lịch sử-Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 9/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch), cùng với Lễ Giỗ chính được tổ chức trên quê hương đất Tổ Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, hàng triệu người con đất Việt tại các tỉnh, thành trong cả nước đã cùng thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.

Tại khu Tưởng niệm các Vua Hùng (thuộc công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc, Thành phố Hồ Chí Minh), Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương với các nghi thức dâng bánh chưng-bánh dầy, rước kiệu và tế lễ trang nghiêm, trọng thể, nhằm tri ân công đức các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố ôn lại trang sử hào hùng của đất nước thời kỳ khai phá, tạo dựng và gìn giữ đất nước, từ sự hình thành15 bộ lạc Lạc Việt cho đến khi thành lập Nhà nước Văn Lang, mở ra thời đại các Vua Hùng, với 18 vị Vua. Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như tiến trình phát triển của đất nước.

Nền tảng văn hiến và truyền thống giữ nước vẻ vang của dân tộc cũng được hình thành từ đây và đã được chứng minh trong suốt bề dày của lịch sử. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng; đồng thời tích cực thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Nhân dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi các cấp, ngành và đồng bào thành phố phát huy truyền thống dân tộc thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố năm nay và những năm tiếp theo, nhằm xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước.

Năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các công viên văn hóa trên địa bàn thu hút khá đông người dân tới tham quan trong dịp này. Bởi từ nhiều năm nay các công viên văn hóa trên địa bàn đều xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng. Đây là những nơi để người dân thành phố và du khách thập phương - những người không có điều kiện ra được Đền Hùng (Phú Thọ) đến dâng hương, tưởng nhớ và tri ân công đức của các vị Vua Hùng.

Bên cạnh đó, các công viên cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như Hội trại “Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ tư, triển lãm nghệ thuật Thư-Họa Việt (tại công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc); lễ rước kiệu “Quốc tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh” (tại công viên văn hóa Suối Tiên...)

Lễ giỗ tổ Hùng Vương được tỉnh Kiên Giang tổ chức trọng thể tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp.

Buổi lễ với nghi thức truyền thống trống hội, cung kính dâng hương, phẩm vật, đọc văn tế tưởng niệm, tạ ơn Quốc tổ Hùng Vương. Các chương trình múa lân-sư-rồng, biểu diễn nghệ thuật ngợi ca, tri ân công đức các vị vua Hùng và những bậc tiền nhân trong lịch sử dựng nước, giữ nước hơn 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước cho mọi người, nhớ về cội nguồn dân tộc “con Hồng, cháu Lạc”, nhất là thế hệ trẻ hôm nay ra sức rèn luyện, phấn đấu, cống hiến trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành kính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng ảnh 2Người dân Kiên Giang dâng phẩm vật lên Quốc tổ Hùng Vương tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Giỗ tổ Hùng Vương năm nay ở tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gồm các trò chơi dân gian như đập heo đất, nhảy bao tiếp sức, đua xuồng, đi cầu treo trên sông, thả và bắt vịt; hội thi gói bánh chưng; thể dục dưỡng sinh; thi cờ tướng; giao lưu đờn ca tài tử; triển lãm ảnh nghệ thuật về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và biển - đảo quê hương; đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn…

Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang xây dựng vào năm 1957 theo kiến trúc đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ gồm: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.

Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng ở Sóc Trăng được tổ chức tại Đình thờ Quốc tổ Lạc Hồng, tọa lạc ở số 90, ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề.

Trong suốt 2 ngày 8 và 9/4 ( tức ngày 9-10/3 Âm lịch), người dân đã đến đây dâng hương không lúc nào ngớt… không chỉ có những người dân ở Thạnh Thới Thuận đến đây niệm hương hướng về đất tổ mà còn có không ít khách ở nơi khác đến đây chiêm bái, dâng cúng và vọng niệm về tổ tiên.

Ngôi Đình thờ Quốc tổ ở vị trí đẹp - hướng thẳng ra ngã tư sông nhìn sang bờ bên kia là thị tứ sầm uất Cổ Cò của xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên. Những người xây dựng ngôi đình này muốn nhắc nhở con cháu làm người phải nhớ đến nguồn gốc. Tất cả mọi người Việt Nam đều là anh em có chung một tổ tiên, vì thế trong quan hệ đối xử phải có tình tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương nhau, còn sâu xa hơn là mong ước một đất nước thống nhất và thanh bình. Đình thờ Quốc tổ chỉ làm lễ mỗi năm một lần đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Trong những ngày cả dân tộc hướng về Đất tổ Đền Hùng này, tại vùng đất phương Nam xa xôi như Sóc Trăng, người dân cũng đang hướng tình cảm của mình ngược dòng lịch sử với những thời kỳ dựng nước và giữ nước của bao đời vua Hùng, những trang oai hùng của lịch sử chống ngoại xâm từ bao đời nay.

Trong 2 ngày 8 và 9/4, tại tỉnh Hậu Giang diễn ra nhiều hoạt động hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, nhân dân địa phương tham gia.

Tại một số địa phương, khu lưu niệm, đền thờ, trường học tổ chức lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương theo nghi thức truyền thống như dâng bánh, mâm ngũ hỏa, cấm hoa, thắp nén hương... Các trường học còn tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa thầy cô dạy môn lịch sử, nhà quản lý văn hóa, các bậc tiền bối… với học sinh, sinh viên. Thông qua các hoạt động trên nhằm giáo dục thế hệ trẻ tỉnh nhà về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Cùng thời gian này, Ban nữ công Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi “Mâm bánh dâng lên Quốc Tổ” nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 Giáp Ngọ và Kỷ niệm 39 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.

Giỗ Tổ Hùng Vương trên cao nguyên Đắk Lắk được tổ chức tại Đình Lạc Giao (ngôi đình đầu tiên của người Việt ở Tây Nguyên).

Sau hồi trống, chiêng khai Lễ, đại diện cho hơn 1,8 triệu con cháu của 44 dân tộc anh em đang sinh sống tại Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bà Mai Hoan Niê Kđăm đã báo cáo với tiên tổ những thành quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh năm 2013.

Với lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân đã dâng hương, hoa, bánh chưng, bánh dày, trầu cau và các lễ vật... lên điện thờ tri ân công đức tổ tiên, làm lễ bái vọng, tưởng nhớ Quốc Tổ Hùng Vương. Mọi người đồng thời kính cẩn tri ân, nguyện cầu xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia hạnh phúc trường tồn và nguyện hứa với Đức Quốc Tổ sẽ phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, gắn bó, yêu thương, sát cánh cùng đồng bào ruột thịt cả nước; luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không ngừng phấn đấu vươn lên để xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu mạnh, xứng đáng là dòng dõi Lạc Hồng, con cháu Vua Hùng và thế hệ Hồ Chí Minh.

Tại lâm Đồng, hàng ngàn người dân và du khách đã đến tham dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại đền thờ Âu Lạc (thuộc khu du lịch thác Prenn, thành phố Đà Lạt).

Từ sáng sớm ngày 9/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch), đoàn người đã tập trung về khu vực đền Thượng để tham dự nghi thức lễ Giỗ tổ. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, chủ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, đã đọc diễn văn tưởng nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, qua đó nhắc nhở các thế hệ sau phải ghi nhớ công ơn to lớn ấy.

Đặc biệt trong lễ Giỗ tổ năm nay, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt) đã dâng lên bộ tư liệu quý “Truyền thuyết Hùng Vương” để tưởng nhớ các vua Hùng. Bộ tư liệu được in nguyên văn từ bản khắc trên Mộc bản Triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới). Bản in thể hiện trên khung giấy lớn, có kèm theo dịch nghĩa và được đặt trang trọng tại đền Thượng để người dân có thể tham khảo.

Ngay sau nghi lễ Giỗ Tổ, hàng ngàn người đã lần lượt thành kính thắp hương tưởng nhớ tại các đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Ngoài phần lễ chính, nhiều hoạt động biểu diễn và trò chơi dân gian cũng được tổ chức thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Dịp này khu du lịch thác Prenn mở cửa miễn phí để tạo điều kiện cho người dân và du khách đến dâng hương tưởng nhớ Quốc tổ Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Vĩnh Long vinh dự cùng các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Long An đại diện cho các vùng miền trong cả nước phối hợp với tỉnh Phú Thọ tham gia tổ chức Quốc tổ.

Tại Vĩnh Long, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã trọng thể tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Nhà thờ Hùng Vương (Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long).

Sau nghi thức tế các Vua Hùng, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh, các địa phương và nhân dân đã thành kính dâng hương, dâng lễ vật, tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng, các bậc tiền hiền, những người đã có công khai phá, tạo dựng giang sơn đất nước. Lễ vật dâng lên các Vua Hùng ngoài bánh chưng, bánh dày còn là những đặc sản của tỉnh Vĩnh Long như bưởi Năm Roi, cam sành…

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp khẳng định: Giỗ tổ Hùng Vương chính là sự kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước,” Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long phấn đấu vượt qua khó khăn, đoàn kết, nỗ lực thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX; quyết tâm xây dựng tỉnh nhà tiến nhanh hơn nữa trong công cuộc xây dựng, kiến thiết một vùng đất giàu tiềm năng ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long trưng bày một số tư liệu, hình ảnh chuyên đề về Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại địa phương trong những năm qua; chương trình văn nghệ "Truyền thuyết vua Hùng."

Trước đó, tại trường tiểu học Thiềng Đức (phường 5, Thành phố Vĩnh Long) đã diễn ra tổ chức Hội trại-Hội thi Đình năm 2014, tái hiện hình ảnh trường thi, cống sỹ ngày xưa, tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có điều kiện phát huy năng lực của bản thân trong quá trình học tập.

Ngày 9/4, tại Chùa Phù Liễn thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại lễ đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ do tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Quỹ tu bổ Đền Hùng tổ chức.

Sau phần dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, Quốc tổ Lạc Long Quân-Quốc mẫu Âu Cơ cũng như tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, các đại biểu cùng hàng nghìn tăng ni phật tử cùng thực hiện nghi lễ rót đồng đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ.

Theo kế hoạch, tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng nguyên chất theo nguyên mẫu của Quỹ tu bổ Đền Hùng, mỗi bức tượng có chiều cao 1,98m, nặng từ 1,2 đến 1,3 tấn, với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng, trích từ nguồn xã hội hóa.

Công trình sẽ được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, đúng phiên bản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, đảm bảo chất lượng chuyên môn. Sau khi công trình hoàn thành, hai bức tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ sẽ được đặt trang trọng tại Đình Hùng Vương thuộc phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên.

Đại lễ đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ nhằm tôn vinh giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, củng cố đại đoàn kết toàn dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như khơi dậy, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về ý nghĩa lịch sử của các Vua Hùng, qua đó nhằm giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục