Thành lập Trung tâm hợp tác Ấn-Việt tại bang Odisha của Ấn Độ

Trung tâm hợp tác Ấn Độ-Việt Nam sẽ tập trung vào tổ chức, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác giáo dục, trao đổi văn hóa giữa bang Odisha và Việt Nam.
Thành lập Trung tâm hợp tác Ấn-Việt tại bang Odisha của Ấn Độ ảnh 1Đại sứ Tôn Sinh Thành (giữa) dự Lễ khai trương Trung tâm Hợp tác Ấn Độ-Việt Nam với bà Pramode Patel (trái). (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

Từ ngày 8-10/1, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã thăm và làm việc tại bang Odisha, dự Lễ thành lập Trung tâm hợp tác Ấn Độ-Việt Nam, dự Hội chợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp gỡ với các doanh nghiệp của bang và thăm Học viện Kỹ thuật Công nghiệp Kalinga (KIIT).

Sáng 10/1, tại thủ phủ Bhubaneswa, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã đến chào xã giao ngài Thủ hiến Naveen Patnaik tại dinh thự riêng.

Ngài Thủ hiến trân trọng cảm ơn Đại sứ đã đến dự Lễ khai mạc Hội chợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của bang Odisha, trao đổi về phát triển kinh tế gần đây của bang và cơ hội hợp tác giữa bang Odisha và phía Việt Nam.

Ngài Thủ hiến và Đại sứ đã thống nhất sẽ tích cực hơn nữa thúc đẩy hợp tác hai bên trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như kỹ thuật nông nghiệp, chế biến hải sản, thực phẩm, giáo dục đào tạo, du lịch và giao lưu văn hóa, nhất là đối với vị thế và tiềm năng của Odisha trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ hiện nay.

Cùng ngày, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã có cuộc gặp làm việc với Phòng thương mại-công nghiệp bang Odisha. Các doanh nghiệp tại đây mong muốn phát triển mạnh quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch với Việt Nam, đặc biệt là tham gia các hội chợ sắp tới tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trước đó sáng 9/1, Đại sứ đã đến dự lễ thành lập Trung tâm hợp tác Ấn Độ-Việt Nam. Hoạt động của trung tâm sẽ tập trung vào tổ chức, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác giáo dục, trao đổi văn hóa giữa Odisha và Việt Nam.

Trung tâm do bà Pramoda Patel sáng lập và làm Chủ tịch. Bà Pramoda là một nhà hoạt động tích cực ủng hộ Việt Nam và cũng là Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Ấn Độ.

Trong thời gian ở Odisha, Đại sứ cũng đã đến thăm Học viện Kỹ thuật Công nghiệp Kalinga (KIIT) - một trong số 15 cơ sở tư nhân đào tạo đại học và sau đại học hàng đầu của Ấn Độ với hơn 50.000 sinh viên và học sinh theo học tại đây.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng đã có buổi gặp và trao đổi với giáo sư Achyuta Samanta về sự hình thành, phát triển cũng như các chương trình đào tạo của trường và thảo luận về khả năng thúc đẩy hợp tác với các trường Đại học của Việt Nam.

Odisha là một trong những bang đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu Ấn Độ, có thế mạnh về luyện kim, kỹ thuật công nghiệp, hải sản, điện tử và công nghệ phần mềm.

Các doanh nghiệp của Odisha đang tìm kiếm công nghệ và kỹ thuật cao trong chế biến nông thủy sản như hạt điều, hải sản; có nhu cầu mua phụ tùng điện tử cho lắp ráp, gia công hàng gia dụng như tivi, vi tính, dàn âm thanh; và muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng kỹ thuật công nghiệp, khai khoáng, bơm nước và khuôn đúc ép các sản phẩm nhựa; nguyên liệu cho xây dựng, chế tạo công nghiệp, và sản xuất đồ gỗ.

Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như than đá, quặng sắt, bauxite, crôm, bờ biển 500 km với một số khu du lịch tập trung khá hiện đại, Odisha còn là nơi sở hữu nhiều đền đài Hindu gắn với nền văn hóa Kalinga cổ đại thu hút khách du lịch từ nhiều nước trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Đền thờ Thần Mặt Trời Konark, một trong 32 di sản được UNESCO công nhận tại Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục