Thành phố biển Phú Quốc hiện đại sau 70 năm đổi thay

Thành phố biển Phú Quốc hiện đại sau 70 năm đổi thay cùng đất nước

Phú Quốc phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 201.000 tấn; đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt người.
Thành phố biển Phú Quốc hiện đại sau 70 năm đổi thay cùng đất nước ảnh 1Một góc đảo ngọc, Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Hòa trong niềm vui chung cùng đất nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, những ngày này trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) rực rỡ cờ hoa muôn sắc màu với niềm vui, hạnh phúc dâng trào của người dân đảo ngọc.

Mừng Tết Độc lập của dân tộc, người dân Phú Quốc càng tự hào, phấn khởi, vui mừng hơn khi quê hương không ngừng phát triển, sắp trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao; trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế; vươn tới một thành phố biển thân thiện, văn minh, hiện đại; Khu Kinh tế-Hành chính đặc biệt nơi vùng cực Nam Tổ quốc.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, cho biết bà con xã Gành Dầu mừng vui trước sự phát triển của đảo Phú Quốc. Phú Quốc bây giờ không thua kém đô thị trong đất liền, điều mà cách đây vài năm không ai dám nghĩ đến.

Ông Lâm Minh Thành, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc, cho biết phấn đấu đến năm 2020, Phú Quốc trở thành đặc khu, nhưng trước mắt sẽ là thành phố biển Phú Quốc thân thiện, văn minh, hiện đại.

Giai đoạn 2015-2020, huyện phấn đấu kinh tế thủy sản tăng bình quân 10%/năm, công nghiệp tăng 13%/năm. Năm 2020, sản lượng thủy sản đạt 201.000 tấn; đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng; giảm hộ nghèo dưới 1,2%...

Để đạt những mục tiêu đó, Bí thư Huyện ủy Phú Quốc nhấn mạnh các giải pháp chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của đảo ngọc, phát triển kinh tế-xã hội Phú Quốc nhanh hơn, bền vững hơn.

Huyện phối hợp với các ngành của tỉnh, sự hỗ trợ của Trung ương triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển đảo Phú Quốc một cách hiệu quả, nhất là trong mời gọi, thu hút đầu tư.

Đồng thời, huyện huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải và nước thải trên đảo; xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Huyện chú trọng phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, nhất là du lịch, dịch vụ để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp.

Phú Quốc phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo cảnh quan môi trường du lịch sinh thái an toàn, thân thiện; phát triển kinh tế-xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng-an ninh, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách…

Bên cạnh đó, Phú Quốc quan tâm các vấn đề xã hội, chú trọng chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm cho lao động, nâng chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, các đối tượng chính sách...

Đồng hành cùng đất nước, Phú Quốc chuyển mình vươn lên bằng sức mạnh của “ý Đảng - lòng Dân,” ý chí chung sức, chung lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo.

Những năm gần đầy, nhiều dự án, công trình hạ tầng cơ sở quan trọng được đầu tư xây dựng như: trục chính giao thông Nam-Bắc đảo và hệ thống đường vòng quanh đảo; Sân bay Quốc tế Phú Quốc; Cảng Quốc tế An Thới; cáp ngầm 110 KV Hà Tiên - Phú Quốc; quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc và nâng cấp, chỉnh trang đô thị… với tổng vốn đầu tư xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Phú Quốc đã có nhiều đường bay quốc tế đến các nước Singapore, Campuchia, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc tạo điều kiện tốt cho thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Đảo ngọc này tính đến tháng 7/2015 thu hút 196 dự án đầu tư, trong đó có 136 dự án đang triển khai, với tổng diện tích 5.110ha, tổng vốn đăng ký hơn 144.000 tỷ đồng, tập trung phần lớn vào lĩnh vực du lịch.

Trong 5 năm qua (2011-2015), tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện khá cao, bình quân 27,5%/năm. Tỷ trọng thương mại-dịch vụ chiếm khoảng 50% cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 105 triệu đồng/người/năm. Khách du lịch tăng bình quân 28,8%/năm. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.591 tỷ đồng; đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.

Anh Lê Hồng Phúc, khu phố 5, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, phấn khởi nói: “So với cách đây 5 năm, Phú Quốc hiện nay phát triển đến không ngờ, ngoài sức tưởng tượng của cư dân trên đảo và ấn tượng nhất là công trình cáp ngầm xuyên biển đưa điện quốc gia ra đảo. Người dân Phú Quốc vỡ òa niềm vui, hạnh phúc khi đón dòng điện quốc gia lần đầu tiên thắp sáng đảo ngọc. Mấy năm qua, nhờ có điện lưới quốc gia ổn định, hầu hết mọi người dân Phú Quốc có điều kiện phát triển sản xuất thuận lợi. Đảo Phú Quốc bừng lên sức sống mới, phát triển sung túc hơn, khách du lịch đến đông hơn.”

Có thể nói, Phú Quốc hội tụ đủ các lợi thế về địa lý, tự nhiên, kinh tế, văn hóa-xã hội để phát triển nền kinh tế mở cửa, hướng ngoại, trở thành điểm nhấn kinh tế-xã hội, tạo sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục