Thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm trạm xe đạp công cộng

Đà Nẵng sẽ triển khai 61 trạm với khoảng 600 xe đạp được phân bổ trên địa bàn 5 quận; giá vé theo giờ là 5.000 đồng/30 phút, theo ngày là 50.000/ngày cho mỗi chuyến đi không quá 7,5 giờ.
Thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm trạm xe đạp công cộng ảnh 1Trạm dịch vụ xe đạp công cộng tại Đà Nẵng sắp đưa vào triển khai thí điểm. (Ảnh: TTXVN phát)

Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết vào ngày 29/3, Sở sẽ khai trương thí điểm trạm xe đạp công cộng nhằm góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới hệ thống giao thông xanh, bền vững.

Sở Giao thông Vận tải đang tích cực đôn đốc các đơn vị thi công tích cực hoàn thiện các trạm xe đạp công cộng, đồng thời, thực hiện các thủ tục để hoàn thiện công tác chuẩn bị, tiến hành tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trước ngày 29/3.

Theo quy hoạch, thành phố sẽ triển khai 61 trạm với khoảng 600 xe đạp được phân bổ trên khắp địa bàn 5 quận, trong đó Hải Châu 32 trạm, Thanh Khê 5 trạm, Sơn Trà 16 trạm, Ngũ Hành Sơn 5 trạm và Cẩm Lệ 3 trạm.

Vị trí đặt trạm xe đạp công cộng ưu tiên gần trạm xe buýt để kết nối hệ thống vận tải hành khách công cộng, gần các điểm thu hút, đảm bảo cảnh quan đô thị, không gây cản trở người đi bộ, đảm bảo an toàn giao thông, nằm trên vỉa hè thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

Phương tiện xe đạp TNGO (Do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam cung cấp và khai thác) được thiết kế với hình thức bắt mắt, bền chắc, khung xe thiết kế phù hợp với cả nam và nữ, phù hợp với nhiều lứa tuổi và chiều cao của người sử dụng.

[Hà Nội cho phép thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng]

Xe thiết kế có khóa chống mất cắp, chống tháo trộm các bộ phận của xe như ghiđông, yên xe, bánh xe, hộp xích….

Mỗi xe đạp được gắn một thẻ ID định danh, lắp đặt khóa thông minh, thiết bị định vị, thiết bị sạc và bộ thu năng lượng Mặt trời.

Cước phí phải trả tương ứng với thời gian sử dụng xe (tính theo giờ hoặc theo ngày). Phương thức thanh toán là trực tuyến qua các ví điện tử Zalopay, MoMo, Payoo…

Giá vé theo giờ là 5.000đ/30 phút; giá theo ngày là 50.000/ngày cho mỗi chuyến đi không quá 7,5 giờ (được tính từ lúc mở khóa xe cho tới lúc khóa xe lần cuối cùng).

Trong quá trình di chuyển, người dùng có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu đi càphê, mua sắm. Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng có thể trả xe tại trạm bất kỳ.

Thông qua giám sát phần mềm trung tâm, đội điều phối theo dõi lộ trình di chuyển của xe và nhận cảnh báo trên hệ thống khi có vi phạm như chạy quá thời gian, không trả xe về trạm, không khóa xe sau khi sử dụng, trộm cắp xe…

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Hồng Trung cho biết dự án xe đạp công cộng được Sở chủ trì triển khai theo Nghị quyết 103/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố. Sau một năm thí điểm, Sở sẽ tổng kết, đánh giá, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định nhân rộng mô hình nếu dịch vụ đạt hiệu quả.

Trước đó, vào ngày 16/12/2021, dịch vụ xe đạp công cộng đầu tiên tại Việt Nam đã được chính thức đưa vào thí điểm hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mới đây, dịch vụ xe đạp công cộng cũng vừa được cấp phép triển khai thí điểm 12 tháng tại Hà Nội, trong thời gian thí điểm không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.

Đến nay, ngoài Đà Nẵng, dịch vụ xe đạp công cộng đã được 5 tỉnh, thành cấp phép hoạt động gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Hải Dương và Hà Nội.

“Dịch vụ xe đạp công cộng đã được đông đảo người dân đón nhận và nhanh chóng trở thành xu hướng quen thuộc. Xe đạp công cộng góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện... Công ty Trí Nam hy vọng năm 2023 sẽ phát triển nhanh hơn và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân,” lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục