Thành phố Hà Nội khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 3

Các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đang khẩn trương, chủ động với phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với cơn bão số 3.
Thành phố Hà Nội khẩn trương chủ động ứng phó với bão số 3 ảnh 1Cây xà cừ lâu năm bật gốc 'hạ gục' một xe ôtô đang đỗ trên đường Hai Bà Trưng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo dự báo, khoảng chiều 19/8 cơn bão số 3 ảnh hưởng đến Hà Nội. Tuy nhiên, tính đến trưa 19/8, ở khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa to, còn tại các cung đường ven đô, gió giật mạnh và mưa nặng hạt khiến các phương tiện di chuyển trên các cung đường rất khó khăn.

Trên các con đường như Phạm Hùng, Võ Chí Công, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Yên Phụ… gió rất to.

Các lực lượng chức năng ở Hà Nội đang khẩn trương, chủ động với phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với bão số 3; đồng thời khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết thì hạn chế ra đường để đề phòng sự cố cây đổ, thời tiết xấu gây nguy hiểm về người và tài sản.

Trên các cây cầu như Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy hay một số điểm cầu vượt ở nội đô tốc độ gió đang mạnh dần, người dân cũng được khuyến cáo không nên di chuyển trong thời điểm này.

Tại số 210 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), tấm panô quảng cáo cỡ lớn đã bị gió mạnh làm gãy gục, có nguy cơ rơi xuống gây ảnh hưởng đến các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường này. Tại số nhà 46 Hàng Chuối, 2 tấm biển quảng cáo bị gió quật và mắc trên cành cây cao. Lực lượng chức năng phường Phạm Đình Hổ đang phối hợp với Công ty công viên cây xanh Hà Nội tiến hành tháo dỡ các tấm biển này, đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện qua lại khu vực.

Lực lượng Bộ Tư lệnh Thủ đô và Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội cho biết, các đơn vị này đã huy động 100% quân số ứng trực để chủ động, kịp thời phòng chống và xử lý các tình huống phức tạp do bão số 3 gây ra.

Trong đó, Cảnh sát Giao thông Hà Nội làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông và giúp đỡ nhân dân khi đi qua các vùng ngập úng, cây đổ, đảm bảo giao thông thông suốt.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3, Hà Nội có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt có thể lên đến 150-250 mm, có nơi trên 250 mm.

Để chủ động phòng chống diễn biễn bất lợi của mưa, bão, lũ trên địa bàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức ứng trực 24/24 giờ.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội triển khai công tác tiêu thoát nước, bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực đô thị; tổ chức kiểm tra dỡ bỏ các vật cản, công trình đang thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy, các cửa cống trên các sông, mương tiêu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước; nạo vét hệ thống thoát nước đảm bảo tiêu thoát nước nhanh nhất; thực hiện bơm nước để giảm mực nước hồ theo quy định, kiểm tra công tác ứng trực, huy động 100% lực lượng và thiết bị để kịp thời ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3 và xử lý kịp thời các điểm úng ngập cục bộ; vận hành an toàn các trạm bơm: Yên Sở, Đồng Bông 1, 2, Cổ Nhuế...

Đơn vị cũng đồng thời phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, Long Biên thực hiện các giải pháp chống úng ngập trên địa bàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ úng ngập như khu Dương Nội, đường Quang Trung, bến xe Yên Nghĩa, khu vực Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn, Cổ Linh, nút giao Cầu Chui....

Cũng theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chỉ đạo các xí nghiệp chủ động giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra đối với các nhà nguy hiểm do Công ty quản lý, phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các quận, huyện sẵn sàng bố trí, di dời dân ra khỏi các vùng bị úng ngập, các nhà nguy hiểm.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước dự báo cường độ gió và mưa của cơn bão số 3, nhiều cây xanh ở Hà Nội có nguy cơ bị gãy đổ.

Vào chiều tối 18/8, mưa kèm theo gió lớn đã làm cho khoảng 50 cây xanh bị bật gốc, gẫy đổ, ảnh hưởng đến giao thông. Trong đó, cây xà cừ đường kính khoảng 40cm tại số nhà 48 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị đổ khiến anh Lê Quân, sinh năm 1987, trú tại Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng bị chấn thương sọ não phải đưa vào Bệnh viện Quân y 108 cấp cứu.

Trước đó, do ảnh hưởng của trận bão số 2 ngày 27 và 28/7, gió lốc, kết hợp với mưa lớn đã làm cho gần 3000 cây xanh bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây lớn, đường kính từ 60 cm đến 1m.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hưng, những cây to phần lớn được trồng lâu, bộ rễ lớn bị chặt đứt do xây dựng vỉa hè, lắp đặt hệ thống cáp ngầm, các công trình ngầm khác.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tại 9 quận nội thành có khoảng 6.588 cây bóng mát, đường kính trên 40 cm trở lên. Để hạn chế gãy đổ do mưa bão, Sở Xây dựng chỉ đạo công ty cây xanh thường xuyên cắt tỉa những cành cây to, cân đối giữa phần tán và phần gốc để hạn chế gãy đổ.

Sau nhiều lần khắc phục sự cố cây xanh bị gãy đổ đè vào ôtô, công trình trên địa bàn, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công viên cây xanh Hà Nội đưa ra khuyến cáo, khi có mưa to gió lớn, người dân không nên dừng đỗ xe bên cạnh những cây to, để phòng cây bất ngờ bị gãy đổ gây thiệt hại về người và phương tiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục