Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa thể kết thúc dịch sởi do chưa tiêm đủ vaccine

Vẫn còn khoảng 20% trẻ cư trú trên địa bàn nhưng lại có địa chỉ khai báo trên hệ thống ở tỉnh, thành khác. Điều này khiến cho tình trạng sót, lọt trẻ chưa được tiêm đủ mũi vaccine vẫn còn cao.

Một bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Một bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng đã được nâng lên nhưng số ca mắc sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng.

Đáng chú ý, khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cho thấy, vẫn còn khoảng 20% trẻ cư trú trên địa bàn nhưng lại có địa chỉ khai báo trên hệ thống ở tỉnh, thành khác. Điều này khiến cho tình trạng sót, lọt trẻ chưa được tiêm đủ mũi vaccine trong cộng đồng vẫn còn cao.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị giao ban phòng, chống dịch sởi do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 16/10.

Vẫn còn “khoảng trống” tiêm chủng trong cộng đồng

Bác sỹ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 13/10, Thành phố ghi nhận có 1.079 ca mắc sởi, trong đó có 4 ca tử vong.

Bệnh ghi nhận ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi chiếm 35% tổng số ca bệnh; trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi chiếm 16% - đây là độ tuổi chưa đủ điều kiện tiêm chủng và trẻ từ 11 đến 17 tuổi chiếm 6%.

Tuy nhiên, trong một cuộc điều tra cộng đồng ngẫu nhiên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố về tình trạng tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi thực hiện tại 10 quận, huyện cho thấy, gần 20% trẻ sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống lại ở các tỉnh, thành khác.

Vì thế, các trạm y tế phường, xã không phát hiện và theo dõi tình trạng tiêm chủng của những trẻ này.

Điều đáng nói, những trẻ này có thời gian sống trên địa bàn khá dài (trung bình 38 tháng) nhưng vẫn không được phát hiện và cập nhật trong danh sách. Khảo sát này cũng cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi sởi thực tế của trẻ từ 1-5 tuổi chỉ đạt khoảng 86,9%.

Bác sỹ Lê Hồng Nga đánh giá, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi góp phần giảm khả năng bùng phát dịch sởi lớn tại Thành phố. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa thực sự đạt 95%.

Do đó, vẫn còn khả năng xuất hiện ca bệnh hoặc chùm ca lẻ tẻ và lây cho độ tuổi ngoài tuổi được tiêm chiến dịch.

Tình trạng trẻ đang sống trên địa bàn nhưng không được rà soát và mời tiêm, trẻ không được cập nhật thông tin trên hệ thống tiêm chủng quốc gia dù đã ở lâu tại địa phương vẫn tồn tại.

Rà soát số lượng trẻ cư trú thực tế trên địa bàn

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trong 5 tuần qua, Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi tại Thành phố được đẩy nhanh tiến độ. Cả hệ thống y tế, các quận huyện đã thực hiện tốt, hiện đạt hơn 99,9% số lượng thuộc đối tượng đích. Đây là nỗ lực của hệ thống y tế và Ban chỉ đạo chống dịch các địa phương, vượt hơn mục tiêu đề ra là 95%.

Hiện nay, số ca sởi có giảm nhưng chưa giảm nhanh như mong đợi. Nguyên nhân theo bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu là do ước tính danh sách trẻ tiêm chưa đủ mũi vaccine là chưa hoàn toàn chính xác. Với mức bao phủ vaccine hiện nay, bác sỹ Châu cũng nhận định, nguy cơ bùng phát dịch sởi lớn trên địa bàn Thành phố là không có nhưng vẫn xuất hiện những ca rải rác là trẻ chưa được tiêm vaccine.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ quan trọng sắp tới là tiếp tục rà soát, bổ sung cập nhật đối tượng trẻ cần tiêm (trẻ từ 1-10 tuổi) cư trú thực tế trên địa bàn.

Theo ông Châu, việc quản lý trẻ theo độ tuổi có mặt trên địa bàn không chỉ giúp đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine đúng thực tế mà còn ý nghĩa cho các chương trình sức khỏe, phòng chống các dịch bệnh khác.

Sở Y tế mong muốn, bên cạnh việc từng địa phương rà soát “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thì rất cần sự chia sẻ thông tin, dữ liệu dân cư của ngành Công an.

Đồng quan điểm, Thạc sỹ Lương Chấn Quang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi 5 tuần nhưng số ca bệnh vẫn không giảm, hiệu quả không đạt như mong muốn. Thực tế cho thấy, việc rà soát cộng đồng chưa tốt nên còn rất nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine.

Để giải quyết nhanh dịch sởi, Thạc sỹ Lương Chấn Quang cho rằng, các quận, huyện phải rà soát lại tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, trường học cũng phải điều tra lại tình trạng tiêm chủng của học sinh để tìm đúng trẻ chưa tiêm và chưa tiêm đủ. Hiện nay ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã xuất hiện ổ dịch sởi người lớn ở các nhà máy, xí nghiệp.

Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường giám sát ca bệnh ở doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp để kịp thời phát hiện ổ dịch, ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thuý nhận định, việc giảm số ca bệnh sởi thời gian qua vẫn còn chậm, chưa đạt như kỳ vọng; đồng thời đề nghị Công an Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo, tăng cường phối hợp liên ngành ở địa phương, đặc biệt ở khu phố, khu dân cư để cập nhật, rà soát nhóm trẻ lưu trú trên địa bàn.

Thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng, đề nghị phụ huynh cung cấp sổ tiêm chủng của trẻ; phát động 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức thi đua đăng ký công bố hết dịch sởi, nỗ lực kéo giảm số ca mắc sởi trong thời gian sớm nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục