Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến nền hành chính hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh cải cách hành chính đồng bộ trên các lĩnh vực thể chế, cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến nền hành chính hiện đại ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ trên các lĩnh vực thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính công và hiện đại hóa nền hành chính...

Những kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh về cải cách hành chính đã góp phần phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Từ những việc nhỏ

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng cho biết, ông rất ấn tượng với cách làm việc nhanh gọn của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh khi đơn vị của ông xin phép thành lập trang thông tin điện tử www.vicongly.com.vn tại cơ quan này.

“Tôi viết đề án và trình lên Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và được phản hồi rất nhanh về những điểm cần chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật trong việc lập trang tin. Mọi thủ tục đều nhanh, được hướng dẫn kỹ. Nếu các lĩnh vực khác cũng có những bước cải cách nhanh chóng thì sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn rất nhiều” - ông Nguyễn Kiều Hưng nói.

Đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chủ doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ông mới vừa đưa con đi thi lấy giấy phép lái xe và thấy thủ tục rất nhanh gọn. Ông cho rằng, cải cách hành chính phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như giảm bớt các giấy phép con trong lĩnh vực kinh doanh n hư Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng trả lời các cơ quan báo chí.

Ông Trần Văn Thiện, ngụ tại quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết chỉ riêng việc so sánh các thủ tục trong cải cách hành chính tại nơi ông sống với quận Bình Thạnh, nơi ông kinh doanh đã thấy ngay sự khác biệt dù hai quận nằm sát nhau. “Tôi nghĩ thái độ phục vụ của những cán bộ nhà nước khi thực hiện dịch vụ hành chính công là quan trọng lắm. Nếu thái độ phụ vụ người dân, doanh nghiệp vui vẻ, nhanh gọn, người dân cũng dễ thông cảm hơn để chờ đợi. Tôi không rành công nghệ thông tin nên mọi vấn đề đều đến trực tiếp cơ quan nhà nước và cái cần nhất là sự giải thích của cán bộ để không phải đi lại nhiều lần, làm được việc” - ông Trần Văn Thiện nói.

Theo ông Thiện, so với các quận, huyện trên địa bàn thành phố thì quận 1 làm tốt việc cải cách hành chính nhà nước. Ông cũng cho rằng người dân tại các khu vực như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ khó tiếp cận thông tin về cải cách hành chính hơn nên cần có những cuộc khảo sát để lấy ý kiến người dân nhằm nắm nhu cầu thiết thực của dân và làm tốt cải cách hành chính nhà nước.

Thạc sỹNguyễn Việt Khoa, Giám đốc trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng pháp luật kinh doanh nhận định: Cải cách thủ tục hành chính là quyết tâm chung của Đảng và Chính phủ để rút ngắn được hàng loạt thủ tục về thuế, đăng ký kinh doanh, hải quan... rà soát những giấy tờ không cần thiết và loại bỏ nó. Việt Nam chuyển thủ tục hành chính từ trực tiếp sang trực tuyến và nâng cao ý thức công chức.

Dù vậy, những bước đi của chúng ta cần có cơ sở để so sánh khi hội nhập quốc tế hay thực hiện cam kết quốc tế. Những tổ chức đánh giá về môi trường kinh doanh quốc tế hay ngân hàng thế giới nếu được tham gia đánh giá sẽ khách quan hơn khi nhận xét các Bộ, ngành và địa phương trong cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Việt Khoa cũng đánh giá, khi vẫn còn khoảng 6.700 loại giấy phép con về kinh doanh là một cách tự hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Lấy công nghệ thông tin làm chủ đạo

Theo kế hoạch thực hiện cải cách hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện đồng bộ hệ thống dữ liệu phục vụ tốt nhu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là sự kết nối giữa các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền điện tử, đảm bảo an toàn thông tin và bí mật thông tin.

“Chương trình phát triển Công nghệ Thông tin - Truyền thông giai đoạn 2011-2015” và “Chương trình phát triển ứng dụng thông tin trên công nghệ nguồn mở giai đoạn 2012-2015” về việc thực hiện có hiệu quả việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước là hai trong số các chương trình chủ đạo về cải cách thủ tục hành chính do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Cải cách hành chính tại Sở Thông tin và Truyền thông bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Lấy ví dụ, trước đây để xin phép một vấn đề có liên quan đến người nước ngoài thì phải lấy ý kiến nhiều sở, ngành trên thành phố bằng văn bản. Nay Sở tự xây dựng hệ thống liên lạc với các sở, ngành đó qua internet để rút ngắn thời gian gửi văn bản, tạo điều kiện cho cá nhân và doanh nghiệp được giải quyết nhanh nhu cầu của mình.

Sở cũng đẩy mạnh việc nộp bảng mô tả công việc của các cán bộ trong sở để phối hợp với các phòng đào tạo kỹ năng cho phù hợp từng vị trí, nếu không phù hợp sẽ bố trí việc khác cho hợp lý. Sở chú trọng đào tạo cán bộ, nhân viên các kỹ năng riêng về giao tiếp hay các lớp ngắn hạn với các chuyên gia trong từng lĩnh vực như ngoại giao, luật, truyền thông... để tạo ra sự thoải mái đối với những người dân, đại diện doanh nghiệp đến làm việc”.

Tính đến hết năm 2014, các phường, thị trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng chỉ số ISO vào lĩnh vực hành chính công ở mức 60% và hướng đến triển khai 100% chỉ số này trên toàn địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để đánh giá việc cải cách hành chính và đánh giá hiệu quả quản lý các thủ tục cải cách hành chính của cán bộ, viên chức nhà nước.

Điểm mới của công tác cải cách thủ tục hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh là việc đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực như y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, cơ sở hạ tầng đô thị... mà không nhất thiết phải sử dụng ngân sách thành phố.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương nghiên cứu và đưa ra các chính sách, giải pháp để các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có thể thuận tiện tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nói trên để tăng tính cạnh tranh, đặc biệt là tính cạnh tranh của dịch vụ hành chính công.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Tư pháp thành phố hoàn thiện các giải pháp chấn chỉnh và tăng cường hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố và sửa đổi, bổ sung các quy định thủ tục hành chính không còn phù hợp, thiếu đồng bộ và hạn chế tối đa các tiêu cực nảy sinh, gây phiền hà cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Sở Nội vụ sẽ xây dựng kế hoạch và theo dõi công tác cải cách hành chính đối với tất cả các đơn vị nhà nước trên địa bàn thành phố và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đồng thời thanh tra, xử lý các cán bộ, viên chức, tập thể thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục