Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Tế bào gốc năm 2014

Hội Tế bào gốc thành phố phối hợp với Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức Ngày tế bào gốc 2014.
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày Tế bào gốc năm 2014 ảnh 1Sinh viên tham quan các gian hàng trưng bày dụng cụ nghiên cứu. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Ngày 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Tế bào gốc thành phố phối hợp với Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Ngày Tế bào gốc 2014.

Tại đây, các chuyên gia đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực công nghệ sinh học cho rằng, trong những năm gần đây, lĩnh vực tế bào gốc ở Việt Nam có những sự chuyển biến khá lớn, nhưng vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ và gặp nhiều thách thức, do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.

Theo giáo sư, tiến sỹ Trương Đình Kiệt, Chủ tịch Hội Tế bào gốc Thành phố Hồ Chí Minh, mẫu tế bào gốc gửi tại các ngân hàng tế bào gốc hiện nay, là rất thấp.

Trong vòng 10 năm nay, chỉ có khoảng 10.000 mẫu tế bào gốc được gửi tại các ngân hàng, số lượng này chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% lượng dân số sinh ra mỗi năm trong khi trên cả nước hiện có 5 ngân hàng tế bào gốc. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa biết đến dịch vụ này.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Phạm Văn Phúc, Phó Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ở Việt Nam, kỹ thuật tế bào gốc đang thiếu một nền tảng khoa học vững chắc, kỹ thuật còn lạc hậu và chắp vá.

Hiện nay, thao tác trên tế bào gốc người chủ yếu mới sử dụng các thành phần có nguồn gốc từ động vật; không kiểm soát hay kiểm soát không đủ các tiêu chuẩn tối thiểu cho sản phẩm tế bào gốc trước khi ghép vào cơ thể.

Các thiết bị nghiên cứu bắt đầu lạc hậu làm cho giá thành điều trị quá cao, trong khi nguồn tế bào cho cấy ghép còn thiếu và các kỹ thuật phụ trợ cho ngành tế bào gốc không phát triển đồng bộ.

Mặt khác, việc trị liệu dựa vào tế bào gốc cần ít nhất 2 nhóm nhân lực là các nhà khoa học tế bào gốc và các bác sỹ tế bào gốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tế bào gốc, nhân lực cho cả 2 nhóm này ở Việt Nam đều đang trong tình trạng vừa “thiếu” và vừa “yếu.”

Hiện nay, trên cả nước, chỉ có khoảng 300 người có làm tế bào gốc hay làm liên quan đến tế bào gốc.

Trong số đó, có chưa tới 50 người được đào tạo chính quy về tế bào gốc cũng như số lượng bác sỹ tế bào gốc quá ít. Điều này ảnh hưởng đến việc ứng dụng và tính thực tiễn của các nghiên cứu tế bào gốc.

Hiện nay, đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực tế bào gốc tạo nên những bước tiến lớn trong việc điều trị những căn bệnh nan y của con người.

Tại Việt Nam, tế bào gốc đã được sử dụng để ghép tạo tế bào máu, ghép tủy… cũng như điều trị các bệnh lý về máu, về tim, da, bại não, thoái hóa khớp…

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh thành có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu về tế bào gốc với sự ra đời của Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của Đại học Khoa học tự nhiên - phòng thí nghiệm đầu tiên và có quy mô về tế bào gốc ở phía Nam.

Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu thành công bộ tách tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu được cấp phép lưu hành.

Trong thời gian qua, một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã điều trị bệnh bằng cách sử dụng tế bào gốc như Bệnh viện Truyền máu và huyết học; Bệnh viện Vạn Hạnh và Bệnh viện 115 tiến hành thử nghiệm lâm sàng điều trị thoái hóa khớp sử dụng tế bào gốc.

Trong thời gian tới, Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc của Đại học Khoa học tự nhiên sẽ được phát triển thành Viện Tế bào gốc, với chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, sản xuất các sản phẩm có giá trị chất xám cao; là trung tâm đào tạo sau đại học về tế bào gốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục