Thanh toán điện tử: Tăng trải nghiệm người dùng mới thấy được lợi ích

Để thúc đẩy thanh toán điện tử, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền giúp người dân đến gần hơn với việc trải nghiệm lợi ích thì thanh toán điện tử phải đảm bảo tính an toàn.
Thanh toán điện tử: Tăng trải nghiệm người dùng mới thấy được lợi ích ảnh 1Các diễn giả tại tọa đàm Thanh toán điện tử do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.

Mặc dù tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 đã dành một phần quan trọng cho việc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, song theo các chuyên gia, việc phát triển các hình thức thanh toán điện tử vẫn còn khá nhiều rào cản.

Đây cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc,” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16/10.

[Thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công: Tháo gỡ điểm nghẽn]

Mới dừng ở thanh toán dịch vụ đơn giản

Với sự bùng nổ của Internet và công nghệ thông tin hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại nhiều tiện ích vô cùng quan trọng, giúp tiết kiệm tiền mặt, giảm bớt những phí tổn của xã hội liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền.

Tuy nhiên, các tính năng, ứng dụng cho người sử dụng còn chưa nhiều và hầu hết chỉ tập trung vào các giao dịch đơn giản như thanh toán tiền điện, tiền nước, phí truyền hình…

Đưa ra đánh giá, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, những rủi ro trong thanh toán điện tử cũng là nguyên nhấn khiến nhiều người dùng còn nghi ngại. Vì vậy, cần có cơ chế để đảm bảo người sử dụng an toàn, đúng mục đích.

“Nếu chỉ có một công cụ mà không có cơ chế phòng vệ, giám sát thì sẽ phát sinh rủi ro dù đó là công nghệ gì,” ông Tuấn nói.

Trong khi đó, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn là cách mà nhiều người tiêu dùng lựa chọn bất chấp xu hướng phát triển của công nghệ trong lĩnh vực này.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng nếu chỉ cần vài giây để thanh toán bằng tiền mặt cho một giao dịch thì với thanh toán điện tử phải mất nhiều thời gian hơn, từ việc khai báo mã xác thực, xác nhận chuyển tiền…

Chia sẻ một khảo sát mới đây tại Huế, theo ông, chỉ có khoảng 7% người dân có năng lực để tải một ứng dụng lên điện thoại di động để sử dụng, trong khi 93% người sử dụng mobile không có năng lực để sử dụng ứng dụng hiện đại trên điện thoại của mình.

"Thanh toán tiền mặt không chỉ thuận tiện mà còn nhanh chóng, trong khi việc thanh toán qua điện tử phải trải qua nhiều bước mới có thể hoàn tất. Do vậy muốn tăng tính khả thi thì việc thanh toán điện tử phải đảm bảo sự tiện dụng," ông Kiên nêu ý kiến.

Thanh toán điện tử: Tăng trải nghiệm người dùng mới thấy được lợi ích ảnh 2Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tăng niềm tin với người sử dụng

Trong thời điểm hiện nay, theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc thanh toán bằng tiền mặt về cơ bản không có gì xấu song đây lại là một rào cản đối với các nhà kinh doanh nhất là đối với thương mại điện tử.

Chính vì vậy, ông cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền giúp người dân đến gần hơn với việc trải nghiệm lợi ích thì thanh toán điện tử phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Ông nhấn mạnh, việc trải nghiệm là điều quan trọng và mạnh dạn trải nghiệm để thấy được lợi tích của việc của thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn cử như việc sử dụng QR code sẽ giúp đem lại nhiều tiện lợi trong cuộc sống.

“Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình Online Friday trong đó chú trọng việc để người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm thương mại điện tử, không dùng tiền mặt,” ông Hải thông tin thêm.

Cùng ý kiến trên, ông Phạm Trung Kiên cũng nhấn mạnh đến việc trải nghiệm. Theo đó, từ những câu chuyện thực tế sẽ giúp khách hàng thấy được giá trị của các ứng dụng đưa ra.

Dù vậy, ông cho rằng, để làm được điều này không phải một sớm một chiều và quan trọng hơn khi khách hàng đã cảm nhận được lợi ích và có lòng tin thì thương mại điện tử mới thực sự phát triển mạnh và bền vững.

“Với kinh nghiệm đi từ nông thôn đến thành thị, ở đâu có sóng Viettel thì ở đó người dân có thể sử dụng được thanh toán điện tử và thanh toán mobile money. Với sự chuẩn bị đó, các nhà mạng có thể tự tin cho việc cung cấp dịch vụ này,” đại diện Viettel chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục