Thanh tra bản quyền: "Mở màn" đã gặp vi phạm

Nhiều phần mềm không có bản quyền, cài đặt trong các máy tính phục vụ cho hoạt động kinh doanh của một số công ty, đã bị phát hiện.
Đợt thanh tra bản quyền phần mềm đầu tiên của năm 2010 đã được đoàn thanh tra liên ngành tiến hành tại Công ty trách nhiệm hữu hạn DCM Việt Nam - một công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, có trụ sở tại 203, P301 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cuộc thanh tra đột xuất này, đoàn thanh tra đã phát hiện rất nhiều phần mềm không có bản quyền được cài đặt trong các máy tính phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Không chỉ các phần mềm cơ bản như Windows XP, Microsoft Office mà cả các phần mềm chuyên dụng như Autodesk Architecture, Autodesk 3DS Max, AutoCAD 2009, AutoCAD 2008, AutoCAD 2007 cũng đều được cài đặt một cách bất hợp pháp.

Bên cạnh các phần mềm nước ngoài được cho là có giá “cao” thì lực lượng thanh tra cũng tìm thấy các phần mềm “made in Vietnam” là Từ điển Lạc Việt với giá có vài trăm ngàn đồng cũng bị… “xài chùa”.

Đoàn thanh tra liên ngành đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn DCM Việt Nam chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ toàn bộ các phần mềm máy tính không có bản quyền và trong vòng 20 ngày kể từ ngày lập biên bản thanh tra, công ty phải chủ động làm việc với chủ sở hữu để mua các phần mềm cho các máy tính sử dụng tại công ty.

Theo ước tính, thiệt hại từ các chủ sở hữu thì số lượng phần mềm vi phạm của Công ty trách nhiệm hữu hạn DCM Việt Nam lên tới hơn 800 triệu đồng.

Trước đó, đoàn thanh tra đã thanh tra một công ty trực thuộc một tập đoàn lớn của Nhà nước, cũng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) có trụ sở tại 60A Trường Sơn, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại đây, đoàn thanh tra đã phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp đang được sử dụng. Trong số 71 máy tính được kiểm tra, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện hầu hết các phần mềm vi phạm là các phần mềm chuyên dụng về thiết kế như AutoCAD 2007, Auto CAD 2004.

Cũng tương tự như cuộc thanh tra trên, các phần mềm của Việt Nam như Từ điển Lạc Việt cũng bị sao chép và cài đặt bất hợp pháp.

Điều đáng nói là cho đến nay PV Engineering vẫn chưa hoàn tất các thủ tục đàm phán với chủ sở hữu để hợp thức hóa số phần mềm không có bản quyền trên để báo cáo thanh tra bộ theo cam kết trong biên bản thanh tra.

Kết quả hai cuộc thanh tra trên nhưng đã cho thấy không chỉ những công ty nhỏ mà cả các “đại gia” với tiềm lực tài chính mạnh vẫn có thể “xài” phần mềm “chùa”.

Lý do giá cao không còn thuyết phục khi ngay các phần mềm được sản xuất tại Việt Nam với giá “rất Việt Nam” cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Đại diện Đoàn thanh tra liên ngành cho biết trong năm 2010 các hoạt động thanh tra sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các đối tượng doanh nghiệp nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Chiến dịch thanh tra bản quyền phần mềm đã bước sang năm thứ 7 với những nỗ lực lớn của Chính phủ và các cơ quan thực thi đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhìn lại năm 2004 - năm khởi đầu của cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền phần mềm cho đến nay đã cho thấy một sự thay đổi vô cùng lớn trong ý thức của các doanh nghiệp, của người dân về quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bản quyền phần mềm nói riêng.

Tuy vậy, để có thể giải quyết được một cách triệt để nạn vi phạm bản quyền phần mềm thì ngoài nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan thực thi, sự tham gia của các nhà sản xuất phần mềm là rất cần thiết./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục