Tháo gỡ khó khăn giao đất cho hộ dân bị thu hồi đất

Thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện phải tập trung giải quyết dứt điểm, trả hết đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo đến hết quý 2/2012, các quận, huyện phải hoàn thiện xong việc cân đối, xác định quỹ đất, địa điểm các khu đất dịch vụ để xây dựng hạ tầng, sớm giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.

Theo đó, việc giao đất cho hộ gia đình (kể cả việc quyết định giao đất trên bản đồ, chưa bàn giao đất trên thực địa) phải xong trước tháng 6/2012.

Song đến thời điểm này, hầu hết các quận, huyện của Hà Nội đều chưa chuẩn bị xong quỹ đất để bố trí cho người dân.

Hiện mới chỉ có Ủy ban nhân dân quận Hà Đông giao được 7,58ha đất dịch vụ cho 1.545 hộ, đạt khoảng 1% tổng diện tích phải trả. Trong khi đó, tổng số hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố vào khoảng 62.044 hộ, tương đương nhu cầu cần khoảng gần 1.000 ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho hạ tầng khoảng 100.000 tỷ đồng

Lý giải tình trạng chậm trễ này, các địa phương cho biết, do bất cập liên quan đến chính sách giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên nhiều nơi đang lúng túng trong xử lý cấp đất dịch vụ.

Điển hình tại huyện Mê Linh, nhiều dự án vẫn đang trong tình trạng giải phóng mặt bằng dở dang, chậm tiến độ vì quyền lợi của người dân chưa được giải quyết hợp lý. Nhiều năm qua, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng vẫn chưa được cấp đất dịch vụ.

Ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Mê Linh cho biết tổng diện tích đất dịch vụ huyện Mê Linh phải bố trí trả cho dân lên tới gần 68ha.

Trước những bức xúc của người dân, Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh đã báo cáo thành phố cho phép điều chỉnh chính sách bồi thường theo Quyết định 108/2009/QĐ-Ủy ban nhân dân ngày 29/9/2009 của thành phố về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền nên đã giải quyết được trên 30ha đất dịch vụ.

Số diện tích còn lại, huyện mới bố trí 6,94ha đất dịch vụ tại thị trấn Quang Minh và 2,4ha khu đất đấu giá Khu Trung tâm hành chính huyện tại xã Đại Thịnh để trả cho dân.

Bên cạnh đó, huyện đã đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cho phép sử dụng đất thương phẩm trong dự án khu đô thị thuộc các xã Tiền Phong, Thanh Lâm và thị trấn Chi Đông với diện tích 12,7ha để giải quyết nhu cầu về đất dịch vụ và đã được thành phố chấp thuận, nhưng do chưa có hướng dẫn của các sở, ngành nên huyện vẫn lúng túng trong triển khai

Để giải quyết quỹ đất dịch vụ còn thiếu, huyện Mê Linh đề nghị các chủ đầu tư hỗ trợ bồi thường bằng tiền theo Quyết định 108/QĐ-Ủy ban nhân dân, đồng thời giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã rà soát quy hoạch nông thôn mới, đề xuất các vị trí đất xen kẹt khoảng 5.000m2 báo cáo thành phố cho phép tạo quỹ đất dịch vụ và đấu giá để trả dân.

Nhưng thực tế, Mê Linh rất khó thực hiện được các phương án đề ra do thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng ở các khu đất dịch vụ và chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nguồn thu chủ yếu của huyện là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng do thị trường bất động sản "đóng băng" nên không có kinh phí để thực hiện các dự án này.

Tại địa bàn huyện Hoài Đức, triển khai thực hiện đất dịch vụ , huyện đã thu hồi 1.437 ha đất của 16.340 hộ để đầu tư xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trong đó, số hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất là 14.340 hộ, số hộ bị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng 30% tổng diện tích đất là 2.277 hộ.

Để tháo gỡ vướng mắc về đối tượng và điều kiện được giao đất dịch vụ, huyện kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận giao đất dịch vụ cho các hộ được chia tách theo quy định (không quy định mức tối đa là 150 m2 theo Thông báo số 375/TB-Ủy ban nhân dân ngày 21/12/2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố). Đối với các dự án cụm khu công nghiệp An Khánh, cụm công nghiệp An Ninh (xã Lại Yên), trung tâm Lưu mẫu – Bộ Quốc phòng (thị trấn Trạm Trôi), dự án trường bắn quốc gia (xã Di Trạch), đây là các dự án có quyết định thu hồi đất trước thời điểm Nghị định 17 của Chính phủ nhưng giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thấp, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, huyện đề nghị thành phố xem xét chấp thuận để 4 dự án trên được thực hiện chính sách đất dịch vụ.

Huyện Hoài Đức cũng kiến nghị thành phố xem xét, tạo điều kiện để 3 dự án thuộc các xã An Khánh, Vân Canh, La Phù được tiếp tục triển khai hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng để giao đất cho các hộ dân.

Đối với các dự án đất dịch vụ còn thiếu, huyện đã đề xuất vị trí, địa điểm, diện tích tại các xã La Phù, thị trấn Trạm Trôi và An Khánh nhưng chưa được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Cùng chung khó khăn như các địa phương khác, huyện Hoài Đức hiện đang thiếu hơn 1000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án đất dịch vụ.

Do đó, huyện đề nghị thành phố chấp thuận cho huyện được để lại 100% tiền sử dụng đất của các dự án đô thị nộp còn thiếu (khoảng 850 tỷ đồng) và được vay vốn từ Quỹ phát triển đất Thành phố để thực hiện các dự án đất dịch vụ; đồng thời cho phép huyện được quy hoạch một số khu đất để đấu giá, tạo nguồn vốn cho địa phương.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, chủ trương chung của thành phố trong việc giải quyết các tồn đọng về chính sách giao đất ở, đất dịch vụ tại các địa phương là tôn trọng và thực hiện đúng các chính sách, phương án giao đất mà các địa phương đã phê duyệt cho các hộ dân trước khi hợp nhất Thủ đô.

Do đó, thành phố chỉ đạo các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm để trả hết đất dịch vụ cho dân. Thành phố sẽ huy động các nguồn lực, cả ngân sách và người dân để làm hạ tầng và trước mắt tập trung vào làm hệ thống giao thông cho các khu đất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh thành phố chỉ giải quyết tiếp những trường hợp đang tồn tại, không giải quyết những trường hợp phát sinh mới về đất dịch vụ.

Theo đó, việc giao đất dịch vụ, đất ở căn cứ vào quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và giao đất ở, đất dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thực hiện Nghị định số 17/NĐ-CP và Nghị định số 84/NĐ-CP của Chính phủ; không vận dụng Nghị định số 84/NĐ-CP và Nghị định số 69/NĐ-CP của Chính phủ trong một phương án và không được hồi tố.

Đối tượng được giao đất là hộ, cá nhân ghi trên phương án bồi thường, hỗ trợ và là các hộ được giao đất theo Nghị định 64/CP.

Các trường hợp thực tế chia tách hộ và chia tách ruộng canh tác từ trước Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét theo nguyên tắc tổng diện tích đất giao (của hộ gốc và hộ tách) không quá hạn mức giao đất dịch vụ tối đa mỗi hộ đã quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét../.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục