Tháo gỡ khó khăn trong việc bảo vệ, phát triển rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
Chiều 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2013 với các tỉnh, thành phố có rừng trên cả nước nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ, phát triển rừng và tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác bảo vệ rừng cũng như việc phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ so với năm 2012.

Tính đến hết quý I/2013, cả nước đã phát hiện 455 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 221 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó, có 278 vụ phá rừng làm nương rẫy. Số vụ khai thác rừng trái phép là 368 vụ, với diện tích rừng bị phá là hơn 200 ha, giảm trên 88 ha so với cùng kỳ năm trước.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 3.000 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển và chế biến lâm sản trái pháp luật, giảm 210 vụ so với cùng kỳ; tịch thu gần 7.200 m3 gỗ các loại. Số vụ cháy rừng chỉ còn 59 vụ, giảm 29 vụ so với cùng kỳ năm trước song diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng 68%, với tổng diện tích rừng bị cháy gần 436 ha; trong đó, vụ cháy rừng lớn nhất đã xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), làm thiệt hại 162 ha rừng.

27 tỉnh, thành phố triển khai hợp đồng khoán bảo vệ gần 2 triệu ha rừng, bao gồm cả diện tích thuộc ngân sách của địa phương và Quỹ dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, các tỉnh Tuyên Quang, Bắc K ạn, Sơn La, Nghệ An... đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn để triển khai khoán bảo vệ rừng. 3 tháng đầu năm, cả nước đã khai thác được gần 1,3 triệu m3 gỗ, đạt 16,5% kế hoạch năm, vượt 11,2% so với cùng kỳ năm 2012; giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản tăng nhanh, tổng kim ngạch ước đạt 1.151 triệu USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu gỗ và sản phẩm ước đạt 85 triệu USD.

Tuy vậy, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mùa khô đến sớm hơn và hạn hán kéo dài diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển rừng ở các tỉnh phía Bắc. Những tháng đầu năm, các tỉnh phía Bắc chủ yếu tập trung chuẩn bị cây giống và hiện trường trồng rừng (thiết kế, đào hố), các tỉnh miền Trung, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam đang phân khai kế hoạch và chuẩn bị cây giống do thời vụ trồng rừng vào các tháng cuối năm.

Trong quý I/2013, có 8 tỉnh triển khai trồng rừng tập trung với diện tích 8.745 ha, đạt 4% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên hơn 200 ngàn ha, đạt 61% kế hoạch năm, trong đó diện tích chuyển tiếp từ năm trước là trên 126 ngàn ha. Các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đã trồng được 8.615 ngàn cây phân tán, đạt 17% kế hoạch, cao hơn 124% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, một trong những khó khăn chủ yếu trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng là nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, các hộ gia đình là lực lượng chủ yếu tham gia trồng rừng vẫn chưa tiếp xúc được với nguồn vốn vay trồng rừng.

Đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng, cần tăng mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng bởi hiện nay phần lớn phân bố ở vùng xa xôi, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn. Các đại biểu đã nêu lên những vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, đó là việc hướng dẫn quản lý sử dụng nguồn vốn sự nghiệp Ngân sách nhà nước chi cho Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng; quản lý sử dụng nguồn vốn sự nghiệp ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ rừng cần tăng biên chế cho lực lượng kiểm lâm, bởi hầu hết các địa phương còn thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng này, đồng thời đầu tư trang thiết bị Phòng cháy, chữa cháy rừng….

Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 các Thông tư hướng dẫn thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; trình Thủ tướng phê duyệt Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, Đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng…

Trước mắt, để thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương chủ động rà soát tự cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm nay; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế trồng rừng, lập dự án lâm sinh, xử lý thực bì, cuốc lấp hố để khi thời tiết thuận lợi có thể trồng rừng kịp thời; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, giá trị của rừng; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hưởng lợi từ rừng./.

Lưu Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục