Tháo gỡ những 'điểm nghẽn' trong việc phát triển cụm công nghiệp

Theo Cục Công Thương địa phương, trong lựa chọn, bố trí dự án đầu tư vào cụm công nghiệp nhiều địa phương chưa chú ý đúng mức yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Tháo gỡ những 'điểm nghẽn' trong việc phát triển cụm công nghiệp ảnh 1Hội thảo "Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-Cp ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phát triển cụm Công nghiệp". (Ảnh: Pv/Vietnam+)

Với trên 600 cụm công nghiệp trên cả nước đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Song theo các chuyên gia tình trạng phát triển một cách tự phát tại nhiều địa phương hay vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường vẫn là những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực này.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại hội nghị: "Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phát triển cụm Công nghiệp," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/10, tại Hà Nội.

[Hà Nội đón "làn sóng" đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp]

Tăng nóng về số lượng

Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 680 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được khoảng 11.800 dự án. Trong đó, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký là 217.127 tỷ đồng và tổng doanh thu trong năm 2017 của các dự án đầu tư trong cụm công nghiệp là 193.039 tỷ đồng.

Một điểm nhấn là việc phát triển cụm công nghiệp đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch, thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Tuy vậy, theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp tại nhiều địa phương chưa đạt được như kế hoạch, đặc biệt hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư.

Đáng chú ý, trong lựa chọn, bố trí dự án đầu tư vào cụm công nghiệp nhiều địa phương chưa chú ý đúng mức yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, vẫn còn hiện tượng bố trí dự án ở ngoài cụm công nghiệp, khi công nghiệp.

Là một tỉnh giáp biên giới, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước cũng nêu ra một số tồn tại, theo đó phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn không nhiều, do đó việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất hay quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường gặp khó khăn.

Đây cũng là những vấn đề nổi cộm được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề cập trong phiên chất vấn ngày 30/10, khi cho rằng vấn đề ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang là vấn đề bức xúc.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm, đã có trên 80% khu công nghiệp đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động, song riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải.

"Trên thực tế, các cụm công nghiệp là khu vực do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và việc đầu tư ở đây hết sức hạn chế, tỷ lệ đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải tập trung cũng như giám sát môi trường cụm công nghiệp đang đặt ra," Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cần định hướng mới

Để khắc phục những bất cập trong việc phát triển các cụm công nghiệp, ông Ngô Quang Trung kiến nghị Ủy ban các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế phối hợp các Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan về quản lý, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nguyên tắc Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp.

Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc phân cấp và giao Sở Công Thương chủ trì thẩm định, trình quyết định lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chủ trương đầu tư các dự án vào trong cụm công nghiệp.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, bởi theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nếu được giao là đầu mối, tiếp nhận, chủ trì giải quyết thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư tại các cụm công nghiệp sẽ tạo thuận lợi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả lý nhà nước về cụm công nghiệp.

Ông Thắng cho rằng, mô hình Ban quản lý các khu công nghiệp chế xuất đã vận hành nhiều năm cũng thấy rõ hiệu quả quản lý, chuyên sâu trong quản lý các khu công nghiệp. Vì vậy cũng cần một chế định quản lý chuyên sâu về cụm công nghiệp nghiệp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát triển, nâng tầm các đối tượng sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Trong khi đó, ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang đề nghị làm rõ thẩm quyền đánh giá tác động môi trường, trong đó khuyến khích xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Ông cũng đề nghị giao Sở Công Thương chủ trì tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý./.

Sở Công Thương Khánh Hoà nói về chính sách phát triển cụm công nghiệp
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục