Tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động bưu chính, viễn thông

Các cán bộ công đoàn bưu chính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn và định hướng cho hoạt động động bưu chính, viễn thông.
Tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động bưu chính, viễn thông ảnh 1Nhân viên bưu điện đóng gói bưu phẩm. (Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN)

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Công đoàn Bưu điện Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Công đoàn Toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNI Apro) tổ chức hội nghị Ban Chấp hành ngành nghề của UNI Apro năm 2014.

Tham dự hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo công đoàn các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các trưởng ban và cán bộ của UNI Apro.

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng của UNI Apro hàng năm nhằm tổng kết, báo cáo kết quả hoạt động của năm trước; đề xuất các hoạt động ưu tiên tiếp theo của UNI Apro; cập nhật những hoạt động nổi bật, ưu tiên của công đoàn thành viên UNI Apro về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, chuyên môn quản lý...

Hội nghị là cơ hội để các công đoàn quốc tế hiểu thêm về hoạt động công đoàn ở Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân.

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam Bùi Văn Hoan cho biết Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của UNI Apro từ năm 2008 và đã nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực của UNI Apro trong các hoạt động tại khu vực cũng như tại Việt Nam.

Trước đây, Bưu chính và Viễn thông đều trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đến năm 2013, khối Bưu chính tách ra và chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông. Mặc dù về chuyên môn, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng Công đoàn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hiện vẫn trực thuộc Công đoàn Bưu điện Việt Nam.

Khi tách khỏi Tập đoàn VNPT, Bưu chính Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, doanh thu từ các dịch vụ bưu chính truyền thống sụt giảm; lao động dôi dư do sắp xếp lại tổ chức sản xuất; trình độ lao động không đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập của lao động bưu chính thấp.

Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giải quyết các chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt đã đảm bảo chế độ chính sách cho hơn 5.000 lao động dôi dư. Giai đoạn tới, Công đoàn Bưu điện Việt Nam xác định nhiệm vụ tiếp tục đưa ra các sáng kiến nhằm chăm lo đời sống, đảm bảo thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao vai trò, tiếng nói của tổ chức công đoàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo về các chủ đề liên quan đến thực trạng và tương lai của Bưu chính Việt Nam; tư nhân hóa, tự do hóa và thương mại hóa hoạt động bưu chính viễn thông; chuỗi cung ứng và vận chuyển; mối quan hệ giữa Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Bưu chính châu Á-Thái Bình Dương (APPU) trong dịch vụ bưu chính toàn cầu; các dịch vụ mới để bảo vệ dịch vụ bưu chính công ích...

Các đại biểu, những cán bộ công đoàn bưu chính giàu kinh nghiệm đến từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh bưu chính cũng như hoạt động công đoàn tại các nước.

Các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong hoạt động bưu chính viễn thông giai đoạn hiện nay, qua đó đề xuất định hướng cho hoạt động công đoàn của Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục