Tháo gỡ những khúc mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp

Với những quy định mang tính cởi trói cho doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường.
Tháo gỡ những khúc mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp ảnh 1Giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, tuy nhiên trong quá trình triển khai, các cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải tự kê khai ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Một số ngành nghề kinh doanh mới chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hay vấn đề con dấu được cho là những điểm còn hạn chế, gây khó cho doanh nghiệp.

Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Theo phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp, việc các cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải tự kê khai ngành nghề đăng ký kinh doanh theo hệ thống ngành cấp 4 kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/7 là gây khó khăn cho họ. Bà giải thích điều này như thế nào?


Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh:
Đây không phải là quy định mới và không phải chỉ mới bắt đầu thực hiện từ 1/7 như nhiều phản ánh đã đưa mà quy định này đã có trong Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp. Qua thực tế 5 năm thi hành, quy định này đã được thực hiện ổn định.

Thực tế, trong gần 400.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 5 năm qua, có rất ít trường hợp vướng mắc gửi công văn đề nghị hướng dẫn về việc ghi ngành, nghề kinh doanh. Các trường hợp này đã được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê phối hợp hướng dẫn kịp thời.

Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục giữ nguyên quy định đã được thực hiện ổn định tại Nghị định 43 là khi thực hiện đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Thực tế là có những ngành nghề kinh doanh mới chưa có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC). Trong hoàn cảnh này thì các phòng đăng ký kinh doanh sẽ xử lý như thế nào? Liệu các doanh nghiệp có bị hạn chế khỏi những ngành nghề chưa được cập nhật đó?

Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh: Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam là hệ thống ngành, nghề đã bao quát hầu hết các ngành, nghề kinh doanh trong xã hội bởi Hệ thống này được xây dựng trên cơ sở hệ thống phân ngành quốc tế mà thế giới đang sử dụng. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đăng ký các ngành, nghề mới chưa được ghi cụ thể trong VSIC là điều đã được dự liệu bởi đời sống kinh tế luôn phát triển đa dạng không ngừng.

Như vậy, dù có một số rất ít ngành nghề không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, thì khi doanh nghiệp thông báo, cơ quan Đăng ký kinh doanh vẫn ghi nhận và không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.


- Thưa bà, vấn đề con dấu cũng đang gây ách tắc lớn, khi nhiều cơ sở khắc dấu không dám nhận khắc dấu vì lo ngại. Cục Đăng ký kinh doanh sẽ hướng dẫn điều này như thế nào?

Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh: Khi Luật Doanh nghiệp 2014 bắt đầu có hiệu lực, doanh nghiệp có quyền tự quyết hoàn toàn về nội dung, hình thức, việc sử dụng và quản lý con dấu. Đây cũng là quy định có tính cải cách đột phá so với quy định trước kia. Do đó, việc doanh nghiệp và cộng đồng gặp đôi chút bỡ ngỡ trước thay đổi lớn này cũng là điều dễ hiểu.

Một số những băn khoăn chủ yếu như thời điểm có hiệu lực của con dấu, việc sản xuất con dấu cho doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng con dấu được cấp trước ngày 1/7.

Để vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu này, người dân và doanh nghiệp cần hiểu rằng Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp về nội dung, hình thức, số lượng cũng như việc quản lý và sử dụng con dấu.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp trước khi sử dụng con dấu là thông báo mẫu dấu tới cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014.


- Theo bà, vì sao việc bỏ con dấu như Luật Doanh nghiệp hướng dẫn, vẫn còn khó khăn như vậy?


Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh:
Như đã đề cập ở trên, những bỡ ngỡ mà người dân và doanh nghiệp gặp phải chỉ là những băn khoăn ban đầu vì “đột nhiên” được trao tay một “quyền năng” lớn đối với con dấu. Tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014 về con dấu đã được thay đổi theo hướng tiếp cận với thông lệ của quốc tế.

Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã bãi bỏ việc tồn tại của con dấu, thay vào đó các giao dịch, hợp đồng được xác nhận bởi chữ ký, chữ ký điện tử.

Theo ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 28/7, tức là sau gần một tháng từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đã có 5.679 doanh nghiệp thực hiện việc đăng tải thông tin về mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là quyền lợi của doanh nghiệp khi hình ảnh về con dấu của doanh nghiệp được quảng bá rộng rãi trên thị trường, đồng thời đây cũng là trách nhiệm nhằm tăng tính nhận diện về con dấu của doanh nghiệp dưới sự “giám sát” cộng đồng.


- Việc Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Doanh nghiệp chưa được ban hành từ ngày 1/7 theo quy định có phải là nguyên nhân làm giảm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ đầu tháng Bảy tới nay hay không và bà có cho rằng Luật Doanh nghiệp mới sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường hơn những năm trước?

Cục trưởng Trần Thị Hồng Minh: Qua gần một tháng triển khai, thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, theo số liệu thống kê trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì từ ngày 1-27/7, cả nước có 6.493 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 38.486 tỷ đồng. Như vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp của cả nước trong gần một tháng thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 đã đi vào ổn định.

Luật Doanh nghiệp được Quốc hội ban hành với mục tiêu cao nhất là đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn hơn, hấp dẫn hơn và ít tốn kém hơn cho các nhà đầu tư để qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Với những quy định mang tính cởi trói cho doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Luật Doanh nghiệp 2014 cũng như các văn bản hướng dẫn của Luật khi được ban hành sẽ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

- Xin chân thành cám ơn bà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục