Thảo luận chính sách hỗ trợ phụ nữ Việt Nam di cư hồi hương

Nhiều trường hợp cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài không hạnh phúc đã bỏ về nước mà không có giấy tờ tùy thân dẫn đến quyền lợi của những đứa trẻ trong các cuộc hôn nhân này bị ảnh hưởng rất nhiều.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Ngày 19/6, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) phối hợp tổ chức Hội thảo vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng tìm hiểu tổng quan về Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về gia đình của họ” và “Văn phòng dịch vụ một điểm đến” (Văn phòng OSSO) hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương; tình hình chung của phụ nữ Việt Nam kết hôn đã di cư hồi hương tại Hậu Giang.

Các đại biểu cũng thảo luận về tình hình đăng ký kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài tại Hậu Giang, những vấn đề pháp lý của phụ nữ và trẻ em hồi hương; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu lý, giải quyết vấn đề ly hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài tại Hậu Giang; thực trạng giáo dục cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài tại Hậu Giang và phương án giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến tháng 2/2020, có 17.532 phụ nữ Hậu Giang kết hôn với người nước ngoài; trên 540 phụ nữ đã ly hôn mang theo 260 trẻ em hồi hương, trong đó có 241 em đang theo học tại các trường từ mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu rõ, thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp cô dâu không hạnh phúc sau khi lấy chồng Hàn Quốc, ly hôn (hoặc chưa ly hôn) và bỏ về Việt Nam.

Do nhiều nguyên nhân mà một số chị em trốn về Việt Nam nhưng không mang theo giấy tờ tùy thân, mặc cảm với xã hội và phải bỏ đi làm ăn xa.

Điều đó dẫn đến thực trạng là hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều phụ nữ hồi hương có mối quan hệ hôn nhân chỉ tồn tại về mặt pháp lý, từ đó phát sinh rất nhiều hệ lụy trong cuộc sống và hôn nhân tại Việt Nam.

Đặc biệt, trẻ em sinh ra ở Hàn Quốc khi trở về thì đa phần đều thiếu các giấy tờ liên quan đến nhân thân nên quyền lợi của các em bị ảnh hưởng rất nhiều.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách-Luật pháp (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đánh giá, cùng với việc toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế thì tình trạng di cư trong nước và quốc tế có xu hướng gia tăng.

[Hàn Quốc mở đường dây nóng 13 ngôn ngữ bảo vệ cô dâu ngoại quốc]

Bên cạnh điểm tích cực về việc làm, thu nhập, điều kiện trau dồi kỹ năng cho lao động để góp phần vào sự phát triển của địa phương thì tình trạng di cư cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết ở các cấp độ khác nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo Trưởng ban Chính sách-Luật pháp (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), để đảm bảo mục tiêu của dự án cũng là mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ hiện nay, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bên, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án.

Thảo luận chính sách hỗ trợ phụ nữ Việt Nam di cư hồi hương ảnh 1Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Kết quả của dự án cùng với việc vận hành Văn phòng OSSO sẽ là căn cứ để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư, đề ra các giải pháp hoạt động Hội trong thời gian tới.

Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư trở về gia đình của họ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm cơ quan chủ quản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Di cư Quốc tế IOM.

Dự án được thực hiện tại các thành phố Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Hậu Giang và Hải Dương. Đối tượng được hưởng lợi từ dự án gồm cán bộ nhà nước, phụ nữ Việt Nam di cư hồi hương, tập trung vào nhóm phụ nữ di cư đã kết hôn và gia đình của họ.

Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập bền vững về mặt kinh tế, xã hội khi trở về từ Hàn Quốc, chú trọng nhóm phụ nữ đã kết hôn cùng các thành viên gia đình.

Cùng với đó, dự án có 4 đầu ra gồm cải thiện môi trường hỗ trợ chính sách và nâng cao nhận thức người dân; xây dựng nghiên cứu ban đầu và đưa ra khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách; tăng cường năng lực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thành lập các Văn phòng OSSO; tư vấn và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương thông qua các Văn phòng OSSO thí điểm tại các tỉnh, thành phố thực hiện dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục