Thảo luận nóng về rào cản trong đào tạo hệ cử tuyển

Nội dung bức xúc nhất là chất lượng đầu vào hệ cử tuyển, sự lỏng lẻo giữa nơi cử người đi học và nhà trường, kinh phí đào tạo ít ỏi.
Khẳng định việc thực hiện việc đào tạo hệ cử tuyển đã mang lại lợi ích lớn cho các địa phương vùng khó trong đào tạo nhân lực, nhưng lãnh đạo các địa phương cũng như các trường cũng bày tỏ có hàng loạt khó khăn xung quanh vấn đề này.

Trong đó, bốn nội dung bức xúc nhất là chất lượng đầu vào của hệ cử tuyển, sự lỏng lẻo trong mối liên hệ giữa nơi cử người đi học và nhà trường, kinh phí đào tạo ít ỏi và đầu ra cho các em.

Các vấn đề đã được đại diện các địa phương và các trường phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị Sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hội nghị vừa diễn ra chiều nay, ngày 11/9/2013, được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu là Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Học 10 năm không ra trường

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các trường đều cho biết, trường xác định việc đào tạo cử tuyển là hoạt động xã hội. Tuy nhiên, trong quy định không có tiêu chí nào về mặt trình độ để chọn học sinh khi cử tuyển nên chất lượng đầu vào của các em rất thấp, gây khó khăn cho công tác đào tạo của trường và cho chính các em học sinh, sinh viên cử tuyển.

Trong khi đó, nhiều ngành nghề đào tạo đòi hỏi phải có trình độ, năng lực nhất định, các em cử tuyển lại học chung với học sinh chính quy nên nhiều em không theo kịp.

Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, Đại học Thái Nguyên, cho biết, thống kê của trường cho thấy sinh viên cử tuyển chất lượng bài thi tương đối kém, nhất là các ngành như y, dược, toán. Trong khi đó chỉ tiêu lại lệch, tập trung vào y dược nhiều. Vì thế, số sinh viên cử tuyển bị lưu ban, không thể ra trường đúng thời hạn ở Đại học Thái Nguyên khá lớn.

“Tôi đề nghị phải có cơ chế để trường được tham gia xét tuyển giống như quy định tuyển thẳng với các em học sinh thuộc huyện nghèo,” ông Công kiến nghị.

Cùng bức xúc này, đại diện của trường Đại học Lâm nghiệp kiến nghị Bộ chọn cử tuyển ngay những em học sinh vùng khó đã đỗ đại học để các trường yên tâm chất lượng đầu vào.

Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức gặp sự phản đối của các địa phương.

Thừa nhận địa phương mình có học sinh cử tuyển học 10 năm vẫn chưa ra được trường nhưng đại diện tỉnh Sơn La cho rằng quy định này không hợp lý. Phân tích một cách cụ thể hơn, đại diện của tỉnh Hòa Bình cho rằng học sinh trúng tuyển đại học thường ở vùng thuận lợi. Các em ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện học tập nên trình độ các em tương đối thấp, cũng rất ít em thi đại học và có thi cũng không đỗ.

Còn theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên thì đặt điều kiện đỗ đại học với học sinh cử tuyển là điều không tưởng. Thay vào đó, vị lãnh đạo sở này đề nghị các trường kiên nhẫn đào tạo. “Tôi nghĩ chúng ta chỉ ưu tiên đầu vào nhưng không ưu tiên trong quá trình đào tạo. Nếu không đạt, trường cứ cho các em lưu ban. Điện Biên có trường hợp phải trả học phí tới 8 năm,” ông Quý nói.

Chỉ 40,2% được bố trí việc làm

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo của các địa phương cho thấy chỉ có 40,2% sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng được bố trí việc làm.

Gần 60% còn lại hoặc thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm ở một nơi khác, không thuộc đơn vị cử đi học.

Lãnh đạo Đại học Y Hải Phòng cho rằng việc sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường nhưng không về địa phương là một sự lãng phí lớn.

Theo đó, ông đề nghị xem xét chuyển từ hình thức hỗ trợ học phí sang cho vay. Nếu sau đào tạo, người học chấp hành phân công công tác thì sẽ tiến hành xóa nợ. Điều này sẽ đảm bảo được kinh phí đầu tư và đảm bảo công bằng.

Đại diện của tỉnh Hòa Bình cũng cho biết tỉnh chỉ phân công được 28% số học sinh ra trường. Để giải quyết thực trạng này, hiện Hòa Bình đã ra quy định trả sinh viên tốt nghiệp về đúng nơi đã cử đi đào tạo. “Các huyện đã đăng ký đào tạo là phải sử dụng,” vị đại diện này khẳng định.

Con số gần 60% học sinh cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm khiến Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không khỏi băn khoăn. Theo Thứ trưởng Ga, nguyên nhân một phần do cơ chế vì tất cả các cán bộ công chức phải thi. Trong khi đó, sinh viên cử tuyển đầu vào yếu hơn so với các sinh viên khác, cho nên việc thi đỗ rất… mong manh.

“Để nâng cao tỷ lệ sinh viên cử tuyển tìm được việc làm cần chính sách đồng bộ hơn, để ra trường có việc làm và có chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển,” ông Ga nói.

Sẽ kiến nghị điều chỉnh kinh phí

Kinh phí đào tạo thấp cũng là một trong những bức xúc của các trường khi bàn về hệ cử tuyển và làm “nóng” không khí hội nghị.

Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, Đại học Thái Nguyên, cho biết, với một sinh viên bình thường trường có hai nguồn thu là học phí do sinh viên đóng và ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, sinh viên cử tuyển không thuộc chỉ tiêu chính quy hàng năm nên không có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước mà chỉ có nguồn học phí.

“Các trường đều xác định đào tạo hệ cử tuyển là nhiệm vụ xã hội nên cố gắng thắt lưng buộc bụng, nhưng rất khó khăn,” ông Công bày tỏ.

Chia sẻ khó khăn này từ các trường, đại diện tỉnh Sơn La cũng kiến nghị Bộ có giải pháp để trường có thêm kinh phí cho hệ cử tuyển.

Trong khi các trường đau đầu vì ít kinh phí thì các sinh viên học cử tuyển cũng rất khó khăn khi theo quy định hiện hành, các em chỉ được hỗ trợ khoản tiền bằng 130% lương tối thiểu.

“Mức hỗ trợ này chưa đáp ứng được yêu cầu của người học, nhất là các em phải học tập ở các thành phố lớn,” ông Hoàng Đức Minh nói.

Chia sẻ những khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng cho rằng mức kinh phí đào tạo và hỗ trợ sinh viên này không phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhiều sinh viên quá nghèo phải bỏ học giữa chừng còn các trường không có điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các ngành đòi hỏi sự đầu tư cơ sở vật chất lớn.

Theo đó, Thứ trưởng Ga cho biết, trong việc sửa đổi nghị định sắp tới, Bộ sẽ lưu ý các kiến nghị về sửa đổi cơ chế tài chính cũng như các chế độ ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện chính sách này./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục