Thảo luận về Điều 126 của Luật Nhà ở

Sáng 10/3, Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở.

Sáng 10/3, Hội nghị thường trực Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở.

Đa số ý kiến của các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở để tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào ở nước ngoài với quê hương; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc; khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà khoa học, những người có tài năng... về đóng góp cho đất nước.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở, mở rộng và quy định cụ thể hơn về các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc sửa đổi Điều 121 của Luật Đất đai cùng với sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản luật. Việc sửa đổi cụ thể 2 điều luật này sẽ giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng áp dụng, tránh trường hợp phải chờ Luật Đất đai sửa đổi mới có thể thực hiện được.

Thảo luận về nội dung Ban soạn thảo đề nghị bổ sung thêm điều kiện phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên đối với các đối tượng nêu tại Điều 1 mới được sở hữu nhà ở, đại biểu Nguyễn Kim Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định này mang nặng tính hình thức, đưa quy định này vào trong dự thảo luật là không hợp lý. Ban soạn thảo cho rằng: quy định này nhằm hạn chế những trường hợp không có nhu cầu thực sự về nhà ở nhưng lại mua nhà ở để kinh doanh.

Đại biểu Đặng Văn Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: có những quy định khác nhau đối với từng đối tượng cụ thể như người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa nhà khoa học... chứ không nhất thiết quy định cứ phải ở Việt Nam 3 tháng mới được sở hữu nhà ở.

Các ý kiến thảo luận tập trung vào nội dung đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ban soạn thảo cho rằng để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong vấn đề sở hữu nhà ở của những người được công nhận là công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho các đối tượng này khi về nước làm ăn, sinh sống, không nên có sự phân biệt đối xử về quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam./.
 
 (TTXVN/Viet nam+)

Tin cùng chuyên mục