Thảo luận về Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự

Chiều 23/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối phiên họp lần thứ 17 này.

Chiều 23/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối phiên họp lần thứ 17 này.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 19 và Điều 23 của Pháp lệnh theo hướng bổ sung các đơn vị phòng, chống ma túy Bộ đội biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng và Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an là các cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tội phạm về ma túy và tội phạm trong lĩnh vực môi trường.

Một số đại biểu cho rằng, việc giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các đơn vị trên là phù hợp với tính chất hoạt động cũng như nhiệm vụ của những đơn vị này.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng việc giao chức năng cho Bộ đội Biên phòng tham gia công tác phòng, chống buôn lậu và ma tuý được quy định tại Điều 19 như trong dự án là không phù hợp với thực tế, bởi chức năng chính của Bộ đội Biên phòng là giữ gìn an ninh biên giới. Nếu tham gia công tác phòng, chống buôn lậu và ma tuý, việc xử lý rất bất cập, nảy sinh nhiều vướng mắc, chồng chéo.


Theo ông Hà Văn Hiền, nếu giao cho nhiều cơ quan tham gia điều tra sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều tra, trong khi đó, xử được vụ án ma túy rất phức tạp, đòi hỏi cả một quá trình điều tra, xét xử của cơ quan chuyên trách, đề nghị chức năng điều tra nên giao cho ngành Công an.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc lại chức năng, nhiệm vụ đảm bảo đúng thẩm quyền của từng đơn vị, tránh chồng chéo.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng và Cảnh sát Biển, Ban soạn thảo dự án cần cụ thể hóa; tổ chức nào được quyền điều tra, khởi tố cần thành lập đội chuyên trách. Khi được phân công điều tra hình sự, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát Biển chỉ tham gia điều tra một số vụ việc ban đầu, còn một số tội phạm phức tạp cần phối hợp với lực lượng chuyên trách là Công an.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cũng cho rằng, việc Chính phủ giao thêm nhiệm vụ, chức năng cho Bộ đội biên phòng, Cảnh sát Biển làm công tác điều tra đối với tội phạm về ma túy là phù hợp với đòi hỏi thực tế. Lực lượng Công an không thể thường xuyên nắm bắt tình hình ở biên giới cũng như hải đảo nên rất cần sự phối hợp để công tác điều tra, xét xử đạt hiệu quả cao.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ trước mắt, khi chưa chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại cơ quan điều tra, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự là cần thiết. Về lâu dài, khi nghiên cứu xây dựng Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự... các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương nêu trong Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Ban soạn thảo xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan điều tra trong mối quan hệ với các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra theo hướng cơ quan chuyên trách điều tra tất cả các vụ án hình sự, cơ quan khác chỉ tiến hành một số hoạt động điều tra sơ bộ và một số biện pháp điều tra theo yêu cầu của cơ quan điều tra chuyên trách.

Đồng thời, Ban soạn thảo nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới tổ chức lại các cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối, kết hợp chặt chẽ giữa công tác trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục