Tháp Hùng Vương - Biểu tượng đại đoàn kết dân tộc

Tháp Hùng Vương sẽ là biểu tượng cho công cuộc dựng và giữ nước của người Việt và sự bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong cuộc triển lãm trưng bày các phương án thiết kế “Tháp Hùng Vương,” diễn ra tại thành phố Việt Trì trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng vừa qua, phương án số 50 đã được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía người dân cũng như những người trong giới, coi đây là phương án “xứng tầm” cho việc xây dựng Tháp Hùng Vương.

Tìm kiếm một biểu tượng nghệ thuật!

Công trình Tháp Hùng Vương là biểu tượng cho công cuộc dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam, cho sự bền vững sắt đá của khối đại đoàn kết dân tộc.

Việc xây dựng tháp Hùng Vương vì vậy nhằm mục đích tôn vinh công lao của các vua Hùng đã có công dựng nước, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và hướng về cội nguồn; đồng thời nhằm tôn tạo và hoàn chỉnh hơn nữa quần thể kiến trúc khu di tích lịch sử Đền Hùng, nâng cao giá trị văn hóa và nghệ thuật, thúc đẩy các hoạt động lễ hội và du lịch cho thành phố Việt Trì - thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, điểm đến của du lịch Việt Nam.

Về tính chất, tháp là một công trình văn hóa, một biểu tượng nghệ thuật, là nơi lưu giữ và giới thiệu những báu vật của thời đại Hùng Vương, cũng như trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những phẩm vật quý hiếm của các địa phương trong cả nước, nơi quan sát toàn cảnh khu di tích và vùng phụ cận.

Trên khu đất xây dựng tháp có các không gian phục vụ cho các cuộc triển lãm, các hoạt động văn hóa và lễ hội. Xuất phát từ tính chất, chức năng và mục đích xây dựng tháp, theo thuyết minh phương án số 50 trong tổng số 56 phương án được trưng bày đã được xây dựng trên các ý tưởng: Đoàn kết-Đại đoàn kết-54 dân tộc Việt Nam, “Mười tám đời Hùng Vương,” “Lửa thiêng dân tộc,” “Bắc-Trung-Nam,” “Bánh chưng-bánh dày.”

Theo đó, Tháp Hùng Vương được đặt trên đỉnh đồi Mom Gà, có dãy đồi nhỏ và núi Hùng làm chỗ tựa. Minh đường nhỏ là hồ nước phía trước. Minh đường lớn là ngã ba Hạc, nơi hợp lưu của dòng sông Thao - sông Lô thành sông Hồng chảy ra biển Đông. Hai bên có hai dãy Tam Đảo và Ba Vì chầu về - một thế đứng vững chắc.

Toàn bộ tháp cao 108m, đế tháp là Bảo tàng Hùng Vương - nơi lưu giữ và giới thiệu những vật phẩm quý hiếm của các địa phương trong cả nước. Đế tháp hình tròn bên ngoài chia làm ba bậc: bậc thứ nhất có đường kính 81m cao 6,5m; bậc thứ hai có đường kính 63m cao 3,3m; bậc thứ ba có đường kính 54m cao 4,2m.

Bên trong chia thành hai tầng: tầng một cao 5,5m; tầng hai cao 7,5m. Thân tháp được cấu tạo bởi một khối lục giác cân ở giữa vươn lên trời xanh.

Ba nhánh tượng trưng cho “Bắc-Trung-Nam” được tỏa ra ba phía như “kiềng ba chân.” Mỗi nhánh có 18 bậc tượng trưng cho 18 đời Hùng Vương. Mỗi bậc có một ngọn lửa “Hồn dân tộc,” tổng cộng ba nhánh có 54 ngọn lửa, tượng trưng cho 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, tâm tháp có một cột “Thông linh” chạy suốt từ mặt đất lên đỉnh tháp. Cột bằng thép có đường kính 3,5m; bao quanh cột là một con rồng lớn. Tầng 18 là nơi đặt bảo vật quốc gia: Biểu tượng Hùng Vương bằng ngọc quý “Thần châu ngọc Việt” để mọi người lên tháp tưởng nhớ về các vua Hùng và được ngắm nhìn vùng đất nơi kinh đô Văn Lang xưa...

Đỉnh Tháp là chiếc lọng vàng và ngọn lửa bất diệt - “ngọn Lửa Việt.” Toàn bộ thân tháp được đặt trên mặt trống đồng Đông Sơn (mái của Bảo tàng - đế tháp) - nền văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa rực rỡ của dân tộc Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Những ý nghĩa thực tiễn của một công trình lịch sử

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh, công trình cũng có những ý nghĩa thực tế rất rõ rệt. Từ đường vào khu công nghiệp Thụy Vân dẫn vào tháp sẽ là một con đường lớn với chiều rộng 51m được chia thành ba làn: ở giữa đường rộng 15m, hai bên là hai đường rộng 12m.

Hai dải phân cách mỗi dải rộng sáu mét trồng cây xanh. Trên dải phân cách xen giữa hệ thống cây xanh là 15 cột thời gian biểu trưng cho 15 thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt kế tục Hùng Vương như nhà Thục, Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng... đến tận thời nay - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cột thời gian được làm bằng composite, xung quanh cột được chạm trổ những hình ảnh tượng trưng của từng thời đại, trong có đèn phát sáng.

Du khách qua cổng chính đi trên đường hành lễ vào sân lễ hội sẽ qua 15 cột thời gian để tưởng nhớ lại các thời kỳ lịch sử của nước nhà mà khởi nguồn từ thời đại Hùng Vương. Con số 15 cũng làm ta tưởng nhớ tới thông điệp Hùng Vương chia nhà nước Văn Lang làm 15 Bộ.

Công trình cũng sẽ bao gồm một sân lễ hội rộng 15.000m2 để có thể tổ chức lễ hội hàng năm, cùng các trò chơi dân gian như kéo co, đánh cờ người, đấu vật, đánh đu...

Đặc biệt, xung quanh tháp là một quần thể kiến trúc du lịch sinh thái mang những nét đặc trưng của các vùng miền đất nước. Đó là vùng Tây Bắc, vùng Đông Bắc, vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Mỗi vùng miền có nhiều tỉnh, thành; mỗi tỉnh, thành sẽ đưa những nét đặc trưng nhất của mình vào khu văn hóa lịch sử cội nguồn. Điều này sẽ tạo điều kiện để thực hiện ý tưởng “góp giỗ” đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận: Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm Nhà nước tổ chức các năm chẵn; còn lại mỗi tỉnh, thành sẽ chủ trì tổ chức theo sự chỉ đạo của Nhà nước.

Với phương án này, hàng năm du khách đến đây sẽ được thưởng thức những đặc trưng văn hóa, kiến trúc, trang phục, âm nhạc, đặc sản của các vùng miền./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục