Thắt chặt chi tiêu, cơ quan công quyền Italy giảm được 700 xe công

Trong hơn một năm qua kể từ khi chính phủ Italy công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu, các cơ quan công quyền của nước này đã giảm được 700 xe công và thông báo việc sẽ cắt giảm trong thời gian tới.
Thắt chặt chi tiêu, cơ quan công quyền Italy giảm được 700 xe công ảnh 1Một siêu thị ở Italy. (Nguồn: depositphotos.com)

Trong hơn một năm qua kể từ khi chính phủ Italy công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm ngân sách, các cơ quan công quyền của nước này đã giảm được 700 xe công và thông báo việc cắt giảm sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn thông báo của Thứ trưởng Bộ Hành chính công Angelo Rughetti đưa ra trong cuộc họp của chính phủ ngày 18/11, cho biết đây là một thành công lớn giúp Italy giảm bớt các chi phí không cần thiết, trong bối cảnh quốc gia chưa hoàn toàn thoát khỏi những khó khăn từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong số 700 xe này, có hơn 200 xe đã được rao bán và dự kiến số còn lại sẽ được bán tiếp, cũng như tiếp tục "xử lý" số xe thuộc chính quyền vùng vốn được cho là quá nhiều và tốn kém. Ngoài kế hoạch trên, chính phủ cũng dự định cho thuê một loạt xe công để bù thiếu hụt ngân sách.

Trong thời điểm nợ công của Italy lên tới 130%, việc cắt giảm xe công nằm trong một nghị định được Chính phủ Italy thông qua hồi năm ngoái.

Theo đó, không một bộ, cơ quan cấp chính phủ hoặc các cơ quan hành chính cấp trung ương nào được sở hữu trên 5 xe công. Những xe không nằm trong danh sách này sẽ bị rao bán.

Ngoại lệ duy nhất thuộc về thủ tướng và các bộ trưởng trong nội các, những người được sử dụng các xe loại sang, nhưng chỉ trong thời gian đương quyền. Mục đích của biện pháp trên là cắt giảm tối đa ngân sách, cải cách hệ thống hành chính công quá cồng kềnh, quan liêu và tốn kém.

Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Formez, tính đến hết năm 2012, các cơ quan công quyền của Italy sử dụng hơn 58.000 xe công các loại - nhiều nhất trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) - với tổng chi phí cho việc mua, bảo dưỡng, nhiên liệu và trả lương cho lái xe lên đến gần 1 tỷ euro.

Tuy nhiên, nếu tính tổng số xe công ở cả các cấp địa phương và các quận huyện cũng như các sở trực thuộc theo dạng sở hữu, hoặc thuê, lên tới 600.000 chiếc - ngốn của ngân sách mỗi năm gần 21 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục