"Thắt lưng buộc bụng" làm cho thế giới suy thoái

Tổng Thư ký UNCTAD nhấn mạnh, phải học các bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây và theo đuổi các chính sách khác.
Thời điểm hiện nay của nền kinh tế thế giới không thích hợp để thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ, trong đó có biện pháp cắt giảm mạnh hệ thống an sinh xã hội.

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 1/7.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải học được các bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây và theo đuổi các chính sách khác.

Đối với người nghèo, cuộc khủng hoảng này chưa chấm dứt. Thế giới cần một cơ chế mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tài chính và thương mại, các sáng kiến khu vực và toàn cầu để cải tổ tài chính và tiền tệ nhằm phát triển bền vững, cũng như cần một hệ thống quốc tế thực sự tính đến nhu cầu của các nước đang phát triển.

Ông Emmanuel Gyekye Tanoh, người đứng đầu Nhóm Mạng lưới thế giới thứ ba và châu Phi, cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện vẫn chưa kết thúc nếu xét từ triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển. Khủng hoảng đã làm đảo chiều các nguồn đầu tư sinh lợi ở các nước đang phát triển, gây tai họa cho các nền tảng sản xuất ở nhiều nước chậm phát triển nhất.

Các chính sách kinh tế khắc khổ, được nhiều nước phát triển và đang phát triển theo đuổi hiện nay để đối phó với nợ nần gia tăng, đang đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của các nền kinh tế thế giới, đặc biệt giảm các chương trình y tế và xã hội vốn có tác động sống còn đối với người nghèo, đồng thời mở rộng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.

Các nhà kinh tế thế giới cũng cảnh báo các chính sách "thắt lưng buộc bụng" có nguy cơ đưa nền kinh tế thế giới trở lại suy thoái, đẩy giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Để tránh nguy cơ này, các nước cần tăng cường phối hợp phản ứng chính sách hơn là thực hiện chính sách khắc khổ.

Khoảng 11.400 tỷ USD đã được chi để cứu các ngân hàng trên thế giới nhưng hệ thống tài chính toàn cầu vẫn không được cải tổ thích hợp và đồng bộ, nên những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, làm mất cân bằng kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và những vấn đề trong quy chế toàn cầu vẫn tồn tại dai dẳng mà không được giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục