"Thay da, đổi thịt" trên quê hương cách mạng Thọ Trường

Vùng quê cách mạng Thọ Trường, Thanh Hóa đang thay da, đổi thịt từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao.

Những ngày tháng Tám lịch sử, về thăm xã Thọ Trường, một trong những cái nôi cách mạng của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa, phong cảnh làng quê yên bình, những ngôi nhà tầng khang trang của người dân trong xã mọc lên cùng với hệ thống đường giao thông dân sinh đã được đổ bêtông sạch đẹp, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang.

Vùng quê cách mạng nơi đây đang thay da, đổi thịt từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nơi đây ngày càng được nâng cao.

Tự hào truyền thống vẻ vang

Là vùng quê có truyền thống yêu nước, có nhiều người tham gia trong các phong trào Văn thân, Cần vương, Ba đình-Hùng Lĩnh, Thọ Trường đã được đón nhận ánh sáng cách mạng của Đảng từ rất sớm. Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng từ trước những năm 1930 đến tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, vùng quê Thọ Trường đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với chế độ thực dân, phong kiến.

Đó là những cuộc đấu tranh đòi giảm tế lễ; phá tổ chức “Chức sự,” chống thu lúa “tuần,” thu thuế phụ canh quá nặng; trả lý trưởng cho bọn thống trị, đòi bầu lý trưởng khác... Nhiều gia đình ở vùng quê nghèo xã Thọ Trường cũng từng nuôi dấu, bảo vệ nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng hoạt động bí mật như đồng chí Hoàng Sỹ Oánh, Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Mậu Kiện...

Thọ Trường cũng là nơi thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa vào tháng 2 năm 1935 và là nơi in ấn phát hành báo Hồn Lao Động (cơ quan ngôn luận của Lâm thời Tỉnh ủy Thanh Hóa) vào tháng 6 năm 1934...

Hòng dập tắt phong trào cách mạng nơi đây, chính quyền thực dân, phong kiến ngày đêm ráo riết truy lùng, bắt bớ các đồng chí cán bộ và những quần chúng giác ngộ cách mạng. Từ năm 1930 đến đầu năm 1945 Thọ Trường đã có gần 200 người bị địch bắt tra tấn, giam cầm, trong đó có 57 người bị kết án tù giam từ 1-18 năm tù. Nhưng càng gần đến ngày tổng khởi nghĩa, phong trào đấu tranh càng sục sôi.

Từ Thọ Trường phong trào cách mạng lan rộng ra các xã lân cận như Xuân Tân, Xuân Vinh và kết nối với phong trào các xã khác trong huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định… Riêng Thọ Trường đến đầu tháng 8/1945 đã có 1.306 người tham gia Mặt trận Việt Minh, 421 người tham gia lực lượng tự vệ. Đặc biệt từ đầu tháng 8/1945 các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy liên tiếp được tổ chức, quần chúng nhân dân tham gia ngày càng đông.

Đến ngày 19/8/1945, ngay sau khi nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, quần chúng nhân dân xã Thọ Trường nhất tề vùng lên cùng lực lượng tự về tràn về các làng, bắt gọn bọn chánh tổng, lý trưởng cùng các đối tượng cường hào, ác bá, đồng thời thành lập chính quyền mới. Cuộc tổng khởi nghĩa đã dành thắng lợi hoàn toàn.

Với những đóng góp to lớn trong cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Thọ Trường được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa công nhận di tích lịch sử cách mạng gồm nhà ông Trịnh Khắc Sản, bãi Vải, đình làng Long Linh Ngoại, 16 gia đình được nhà nước tặng Bằng khen có công với nước, công nhận 90 đồng chí cán bộ Lão thành cách mạng.

Phát huy truyền thống cách mạng tháng Tám, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Thọ Trường tiếp tục có những đóng góp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Toàn xã có 867 người tham gia quân đội, gần 500 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trong đó có 21 người đã anh dũng hy sinh, 60 người đã để lại một phần xương máu tại các chiến trường, 38 bệnh binh, 7 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 35 người bị nhiễm chất độc hóa học.

Cuộc sống mới

Trong những năm hòa bình xây dựng đất nước, đặc biệt là trong những năm gần đây thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thọ Trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hệ thống cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng khang trang, đã bê tông hóa được 15km đường giao thông nông thôn, hơn 8km đường bê tông nội đồng, 25,6 km mương tiêu tạo đà phát triển kinh tế.

Hiện toàn xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Đã có nhiều mô hình làm tốt, làm hay, chủ động, sáng tạo như: Mô hình vệ sinh môi trường thu gom rác thải của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh góp phần làm đường làng, ngõ xóm; Mô hình đẩy mạnh chương trình cơ giới Hóa đồng bộ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thọ Trường.

Đến nay gần 100% các hộ gia đình đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp từ khâu gieo trồng mạ khay cho đến thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, giảm sức lao động cho bà con nông dân.

Đặc biệt, Thọ Trường là một trong những xã dẫn đầu về phong trào sản xuất vụ đông của tỉnh Thanh Hóa với hiệu quả kinh tế cao, trong đó tổng diện tích gieo trồng vụ đông đạt trên 100 ha, (chiếm 50% tổng diện tích gieo trồng của toàn xã) trong đó có 50 ha cho hiệu quả kinh tế lên đến 200 triệu đồng/ha như ớt và dưa chuột xuất khẩu.

Qua đó, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ước tính năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,9%.

Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư xứng đáng. Trường THCS và trường tiểu học của xã đã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp mẫu giáo và bậc tiểu học hàng năm đều đạt 100% kế hoạch của ngành giao. Gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 86%. Các nhà văn hóa đã được sửa chữa, xây mới đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn, xóm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Bá Hậu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, so với nhiều nơi khác, Thọ Trường không có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là không thuận lợi về giao thông nên xã Thọ Trường gặp không ít khó khăn. Nhận thức rõ điều này, trong nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng ủy xã chính quyền và nhân dân xã Thọ Trường sẽ đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng Hóa theo hướng chuyên canh, thâm canh.

Xã cũng có những giải pháp huy động nguồn lực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, sớm hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Qua đó tạo bước đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, để Thọ Trường xứng đáng với truyền thống của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục