Thay đổi cách nghĩ về tuổi già để sống lâu hơn

Muốn sống lâu hơn, cần thay đổi cách nghĩ về tuổi già

Các yếu tố chính đẩy nhanh sự già hóa bao gồm chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu rèn luyện thân thể, căng thẳng thần kinh...
Muốn sống lâu hơn, cần thay đổi cách nghĩ về tuổi già ảnh 1(Nguồn: livescience.com)

Sự già hóa dân số đã và đang âm thầm diễn ra tại các quốc gia phát triển trong suốt 174 năm qua. Theo số liệu thống kê tuổi thọ của nữ giới tính từ năm 1840, mỗi một thập kỷ, tuổi thọ của họ lại tăng lên 2 tháng.

Việc tuổi thọ được kéo dài này được mô tả như một đường đi lên và không có dấu hiệu sẽ chững lại. Trong thế kỷ này, dân số những người cao tuổi tăng nhanh nhất: có 10 triệu người Anh còn sống đến ngày nay được ước tính có thể thọ ít nhất 100 tuổi.

Phản ứng thường gặp với những thông tin thế này là tiêu cực: sự già hóa là cả một vấn đề. Đây là lập trường của các kênh truyền thông kèm theo những đề cập về sự tốn kém và gánh nặng của già hóa với xã hội. Cách suy nghĩ này đã bỏ qua những đóng góp của người già về kinh tế, xã hội và văn hóa. Nó cũng lờ đi mức độ gắn kết chặt chẽ giữa các thế hệ khi thường xuyên cho rằng những người thuộc thế hệ Baby Boomers đã chiếm hết tài nguyên của các thế hệ sau.

Trong một cuộc tranh luận gần đây ở Viện Hàn lâm Anh, các nghiên cứu khoa học xã hội đã khẳng định lập trường về gánh nặng của sự già hóa đã lỗi thời. 20 năm qua, đã có một sự lệch pha về cấu trúc giữa những thay đổi về nhân khẩu học và các chính sách phản ứng. Với nhiều người, xét về mặt vật lý, 70 tuổi hiện nay giống như mới 50 tuổi.

Thu nhập ở tuổi già đã tăng lên và tỷ lệ người nghèo đã giảm đi. Xu hướng mới hiện nay là thay vì nghỉ hưu sớm, mọi người sẽ kéo dài thời gian làm việc của mình. Hơn 1 triệu người đang làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Những thay đổi về văn hóa, văn học, nghệ thuật và thời trang cũng đang hướng đến lớp người cao tuổi. Và ngành công nghiệp chống lão hóa chưa bao giờ phát đạt hơn.

Bên cạnh những thay đổi trên, một bằng chứng mới đã xuất hiện đòi hỏi chúng ta phải sửa chữa sự lệch pha cấu trúc và thay thế kịch bản gánh nặng tuổi già bằng một kịch bản khác. Khoa học cho chúng ta biết rằng, sự già hóa là không thế tránh khỏi, nhưng nó rất đa dạng và linh hoạt. Sự thay đổi của cơ thể được cho là già hóa sinh học được gây ra chủ yếu bởi ảnh hưởng của môi trường sống hơn là ảnh hưởng của gen.

Các yếu tố nguy cơ chính đẩy nhanh sự già hóa bao gồm chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu rèn luyện thân thể, căng thẳng thần kinh, vị thế xã hội thấp, hút nhiều thuốc lá... Những yếu tố này gây ra các bệnh kinh niên như bệnh tim và đột quỵ, có thể gây tử vong sớm hoặc làm giảm khả năng sống.

Do đó, nếu chúng ta có thể thay đổi sự ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ và giảm các bệnh kinh niên, chúng ta có thể sống lâu hơn. Ví dụ thường gặp là các nhà khoa học đã chứng minh được rèn luyện thân thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ hay tiểu đường

Nền tảng tư tưởng mới về tuổi già hiện nay là “già hóa một cách năng động,” có nghĩa là tích cực tham gia hoạt động khi tuổi cao. Tư tưởng này đòi hỏi sự phối hợp hoạt động của cá nhân, tổ chức và xã hội nhằm làm giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ và tăng cường trạng thái khỏe mạnh và hạnh phúc khi con người về già, và cần được thực hiện từ khi con người mới được sinh ra. Cốt lõi của tư tưởng này là sự ngăn ngừa nguy cơ bằng khuyến khích mọi người rèn luyện thể chất và tinh thần.

Đối lập với phản ứng tiêu cực trước đây, các nghiên cứu đã chỉ ra các mặt tích cực hơn của tuổi già, mặc dù vẫn tồn tại nhiều trở ngại. Nhưng nếu những trở ngại này được giải quyết, già hóa một cách tích cực sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục