Thay đổi cách nhìn nhận xu hướng chính sách tại Hàn Quốc

Dù là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới song Hàn Quốc thường bị lu mờ bởi các thông tin về người láng giềng phương Bắc.
Thay đổi cách nhìn nhận xu hướng chính sách tại Hàn Quốc ảnh 1Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung tại Pohang (Hàn Quốc). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin trong năm vừa qua, các cuộc tranh luận chiến lược căng thẳng kéo dài lại nổi lên tại Hàn Quốc, chủ yếu xoay quanh những vấn đề như chấp nhận một nước Mỹ ít can dự hơn, củng cố quan hệ với Trung Quốc, đảm bảo năng lực vũ khí hạt nhân độc lập, hoặc thúc đẩy tất cả các mục tiêu này và hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích bên ngoài Hàn Quốc lại không thừa nhận hoặc không muốn chấp nhận xu hướng của các cuộc tranh luận ấy.

Trước hết, và rõ ràng hơn cả, cộng đồng chính sách theo sát các vấn đề Hàn Quốc không lớn và chịu ảnh hưởng bởi giới phân tích tập trung vào vấn đề Triều Tiên.

[Hàn Quốc và Mỹ đạt tiến triển trong đàm phán về chi phí quân sự]

Dù là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới song Hàn Quốc thường bị lu mờ bởi các thông tin về người láng giềng phương Bắc.

Hơn thế nữa, các thông tin về Triều Tiên bằng tiếng Anh tại Hàn Quốc thường không đầy đủ, chủ yếu xoay quanh tới một số ít các chủ đề như tên lửa, vũ khí hạt nhân và Kim Jong-un, trong khi các nội dung thông tin bằng tiếng Hàn lại đa dạng hơn hẳn, như hợp tác kinh tế, thống nhất, văn hóa xã hội…

Sự thật đáng buồn là ngày càng có nhiều các nhà phân tích chú ý tới những tín hiệu từ các quyết định mập mờ của Bình Nhưỡng hơn là các quyết định cụ thể tại Seoul.

Thứ hai, giới phân tích đã quá quen với tính chất dễ đoán của các chính sách đối ngoại tại Hàn Quốc.

Trong hơn 50 năm, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Seoul thường đi theo một lộ trình nhất quán là cương quyết, kiềm chế và phối hợp chặt chẽ với Mỹ.

Bất chấp những hành vi khiêu khích hay khủng bố của Triều Tiên, Seoul vẫn duy trì cách hành xử của mình.

Chính điều này đã khiến số lượng các nhà phân tích quan tâm và hào hứng trước các khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Seoul ngày càng thu hẹp.

Việc Seoul được xem là một cường quốc hạng trung vào đầu những năm 2000 càng củng cố quan điểm về sự “kiên định” trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Dù đã có những tín hiệu rõ ràng về sự thay đổi trong các hoạt động chính sách đối ngoại của các cường quốc hạng trung đương đại, vẫn có những kỳ vọng cho rằng họ nên duy trì các đặc điểm của cường quốc hạng trung giai đoạn 1990, như tìm kiếm các giải pháp đa phương đối với các vấn đề chính sách đối ngoại, gắn chặt với các nguyên tắc luật pháp, ủng hộ các giá trị dựa trên thị trường và xã hội-dân chủ, thể hiện “quyền công dân quốc tế lành mạnh.”

Nếu Hàn Quốc là một cường quốc hạng trung, họ khó có thể trở thành quốc gia phổ biến vũ khí hạt nhân.

Những kỳ vọng này khiến giới phân tích không mặn mà với khả năng Hàn Quốc phát triển năng lực hạt nhân.

Thứ ba, tương tác giữa cộng đồng chính sách Seoul và các nhà phân tích bên ngoài khá giới hạn, chủ yếu diễn ra theo thông lệ cũ vốn không mấy minh bạch.

Các tương tác này thường được thực hiện qua các kênh cá nhân, những người có thể không thực sự có chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể nào đó song lại giữ vị trí nhất định tại các trường đại học, viện nghiên cứu chính sách hoặc cơ quan chính phủ.

Một ví dụ đơn giản là việc các học giả hay nhà nghiên cứu tới Hàn Quốc để thảo luận về Thỏa thuận Thông tin Quân sự An ninh Chung hay việc Hàn Quốc đe dọa rút khỏi hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Những người phụ trách tương tác chắc chắn sẽ luôn khẳng định sự cần thiết của việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa Seoul và Tokyo.

Vì vậy, có thể nói những câu hỏi về quan hệ Hàn-Nhật tại Hàn Quốc được định đoạt không phải thông qua các yếu tố logic, mà chủ yếu theo những lối suy nghĩ đã ăn sâu bám rễ.

Cuối cùng, cơ cấu hoạch định chính sách đối ngoại của Hàn Quốc rất đặc biệt và khó có thể phân tích nếu nhìn từ bên ngoài.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, cá nhân - chẳng hạn như cố vấn, quan chức, hay bản thân nhà lãnh đạo - đóng vai trò khá lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc những công cụ mà phương Tây thường sử dụng để quyết định đường hướng chính sách, như thăm dò ý kiến dư luận, có thể không mấy hiệu quả tại Hàn Quốc.

Hơn thế nữa, những thay đổi chính sách có thể quyết liệt, mạnh mẽ và gây bất ngờ hơn so với ở phương Tây.

Với thực tế Hàn Quốc ngày càng nổi lên như một nhân tố chiến lược, những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Seoul sẽ có những ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, người ta cần theo sát hơn nữa những diễn biến tại quốc gia này./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục