Thay đổi mẫu mã sản phẩm dệt may cho hàng nội địa

Nhiều doanh nghiệp dệt may thay đổi mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước để khai thác thị trường nội địa.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện nay đã có một số doanh nghiệp tận dụng kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu mở rộng sản xuất sang làm hàng nội địa bằng cách thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã đi trước đón đầu được tâm lý của khách hàng giới thiệu những mẫu mã có chất liệu thân thiện với môi trường, những đường nét đơn giản và tinh xảo trong kỹ thuật tạo khối cùng những chi tiết thêu đắp hoa, in tạo nên những sản phẩm thời trang cao cấp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngành dệt may có nguy cơ giảm nhiều so với năm trước do đơn hàng nhỏ và giá cạnh tranh quyết liệt, khó nâng đơn giá xuất khẩu nên thời gian qua các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đang áp dụng công nghệ hướng tới sản xuất sạch hơn cũng như tập trung vào các mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Một số công nghệ được đánh giá cao như công nghệ xử lý nước thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi sử dụng hệ thống xử lý nước thải cho các dây chuyền nhuộm, sử dụng các giải pháp kỹ thuật hợp lý nhằm giảm thiểu nguồn nhiên liệu...

Đáng chú ý, các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm như Vinatex Mart, Đức Giang, May 10 đang là điểm đến của không ít khách hàng trong nước bởi giá thành hợp lý, chất lượng không thua kém hàng xuất khẩu.

Để tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như phát triển xuất khẩu, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Bộ chỉ đạo cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí góp phần giảm nhập siêu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục