Thay đổi mô hình phát triển để giải quyết thất nghiệp

Chủ tịch WEF nêu rõ, thế giới cần thay đổi mô hình tiếp cận các thách thức phát triển để giải quyết thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội.
Ngày 12/6, tại Hội nghị Lao động quốc tế ở Geneva, Thụy Sĩ, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Klaus Schwab nêu rõ thế giới cần thay đổi mô hình tiếp cận các thách thức phát triển và xã hội để nhanh chóng giải quyết nạn thất nghiệp, bất bình đẳng xã hội và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Chủ tịch WEF cho rằng, thay đổi mô hình phát triển đồng nghĩa với tìm các giải pháp đổi mới để đảm bảo phát triển bền vững về xã hội, đổi mới và xây dựng các mô hình phát triển vượt quá tài trợ công để các mô hình này có tác động và quy mô rộng hơn thông qua đối tác công-tư nhân hoặc xã hội kinh doanh. Các thách thức nhân loại đang phải đối mặt cần các đầu vào công nghệ, đổi mới và các giải pháp kinh doanh.

Ông nêu rõ rằng, thế giới đang đối mặt với thách thức phải tạo 600 triệu việc làm trong thập kỷ tới.

Hiện nay, 200 triệu người trên thế giới, trong đó có 75 triệu thanh niên, đang thất nghiệp. Trong khi 910 triệu người lao động trên thế giới chỉ kiếm được chưa đầy 2 USD mỗi ngày và 75% dân số thế giới không được bảo vệ xã hội thích hợp, 40 triệu người bước vào thị trường lao động mỗi năm nhưng các nền kinh tế không thể đáp ứng việc làm cho họ.

Chủ tịch WEF cảnh báo bất chấp những thách thức như vậy và thế giới ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn, phản ứng trước các thách thức này của thế giới đương đại vẫn không thay đổi suốt 70 năm qua.

Các nước vẫn phụ thuộc vào quá trình thương lượng dựa trên cơ sở nhà nước dân tộc để giải quyết các thách thức lợi ích công toàn cầu như thương mại, biến đổi khí hậu, phổ biến hạt nhân và phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh này, thế giới cần thay đổi mô hình trong đó kinh doanh là động lực thúc đẩy tiến bộ kinh tế nhưng phải luôn luôn phục vụ xã hội.

Các nhà kinh doanh tư nhân cần sát cánh với chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để tạo ra sức mạnh tổng hợp cần thiết để cải thiện hiện trạng của thế giới đương đại, đảm bảo tăng trưởng kinh tế phải dẫn đến phát triển xã hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục