Thay đổi nhận thức của nông dân về học nghề

Hội thảo trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 20 tỉnh, thành phố tại 6 điểm cầu trực tuyến gồm Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội.

Hội thảo trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 20 tỉnh, thành phố tại 6 điểm cầu trực tuyến gồm Hà Nội, Phú Thọ, Đà Nẵng, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội.

Phát biểu chủ trì cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ các giải pháp mang tính đột phá như thay đổi nhận thức của nông dân về học nghề; chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu, đòi hỏi phải dự báo được nhu cầu đào tạo; quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo, chuẩn hóa chương trình đào tạo nghề và Chương trình đào tạo giáo viên dạy nghề, để trước khi học nghề, người học đã được tư vấn về nhu cầu đào tạo.

Phó Thủ tướng cho rằng phải gắn kết các biện pháp hỗ trợ học nghề với giải quyết việc làm, hạn chế tối đa tình trạng học xong không có việc làm; cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong việc hỗ trợ địa phương và trách nhiệm của các địa phương trong tổ chức thực hiện.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới, hệ thống cơ sở dạy nghề, không để một địa phương nào “trắng” trung tâm dạy nghề.

Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm việc hỗ trợ, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn học nghề, trong đó có việc cấp thẻ học nghề; cho vay học nghề không lãi suất; trang bị kiến thức và cung cấp thông tin cho người đi học, giúp để người đi học biết được nhu cầu lao động trong phạm vi địa phương và cả nước có liên quan đến bản thân; các chính sách hiện nay đối với người đi học, nghĩa vụ của người đi học; biết được cơ hội việc làm sau khi học trở về.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đưa ra mục tiêu tổng quát là trang bị các kỹ năng, kiến thức nghề cho lao động nông thôn ở các cấp trình độ; đào tạo, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế, điều hành và thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Từ năm 2011 trở đi hàng năm đào tạo khoảng trên 1 triệu lao động nông thôn, để năm 2020 lao động nông thôn còn khoảng 30% lao động xã hội, với tỷ lệ qua đào tạo đạt trên 50%, thu nhập của dân cư nông thôn tăng trên 2,5 lần so với hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục