Thay đổi tiêu chí tập trung kinh tế

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức hội thảo "Thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế", nhằm đưa ra các giải pháp thay đổi tiêu chí tập trung kinh tế để thực hiện tốt Luật Cạnh tranh.

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức hội thảo "Thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế", nhằm đưa ra các giải pháp thay đổi tiêu chí tập trung kinh tế để thực hiện tốt Luật Cạnh tranh.

Theo bà Trần Phương Lan, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), tiêu chí tập trung kinh tế được quy định tại Luật Cạnh tranh nên các doanh nghiệp tham gia hoạt động tập trung kinh tế phải thông báo cho Cục Quản lý Cạnh tranh trước khi tiến hành hoạt động này khi ngưỡng thị phần đạt từ 30-50%. Nếu thị phần lớn hơn 50%, hoạt động tập trung kinh tế bị cấm.

Bà Laure Corgier, Luật sư cao cấp Ủy ban cạnh tranh Thụy Sỹ (Comco), cho rằng việc kiểm soát tập trung kinh tế rất cần thiết vì quá trình này tạo ra sức mạnh thị trường cho phép một doanh nghiệp có thể định giá cao hơn mức chi phí cận biên và gây ra tình trạng độc quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp lớn hơn 50%. Đó là một tiêu chí không rõ ràng bởi thị phần phụ thuộc chặt chẽ vào việc xác định thị trường liên quan buộc các doanh nghiệp phải tự xác định thị trường liên quan một cách chủ quan. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí để xác định xem việc tập trung kinh tế của mình có phải thông báo hay không. Đây chính là kẽ hở của Luật cạnh tranh khiến doanh nghiệp có chỗ trốn tránh không thông báo tập trung kinh tế.

Để quá trình kiểm soát tập trung kinh tế tại Việt Nam tốt hơn, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần phải thay đổi các tiêu chí xem xét theo hướng làm cho các doanh nghiệp có thể nhận biết dễ dàng nghĩa vụ thông báo của họ. Ngoài yếu tố thị phần, Việt Nam nên có thêm tiêu chí doanh thu bán hàng bởi tiêu chí này rõ ràng và khách quan, giúp các doanh nghiệp dễ nhận thấy khi nào cần phải thực hiện nghĩa vụ thông báo.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy năm 2007, cả nước có 113 vụ giao dịch với tổng giá trị 1.753 triệu USD, gấp 3 lần về số vụ và 6 lần về giá trị so với năm 2006; trong đó, các vụ mua bán doanh nghiệp có quy mô lớn tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, năm 2007 có 1.092 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 17 tỷ USD được điều chỉnh Giấy phép đầu tư với nội dung chuyển nhượng vốn giữa các đối tác. Số dự án có hoạt động mua lại chỉ chiếm 12,7% so với tổng số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng tổng vốn đăng ký của các dự án này chiếm tới 20% tổng vốn FDI được cấp phép./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục