Thấy gì từ chiến lược lập chính phủ điện tử của Indonesia?

Chi tiêu cơ sở hạ tầng công cộng của Indonesia dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2020 sau khi giảm đáng kể trong năm 2019, đánh dấu một chu kỳ đầu tư nhiều năm sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Thấy gì từ chiến lược lập chính phủ điện tử của Indonesia? ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) phát biểu tại Jakarta, Indonesia, ngày 20/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề “Indonesia đẩy nhanh triển khai chính phủ điện tử”, trong đó phân tích các kế hoạch và chiến lược của Jakarta nhằm đạt được mục tiêu này trong tương lai. Nội dung bài viết như sau:

Trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) và số hóa đã trở thành thuật ngữ được quan tâm đối với Chính phủ Indonesia.

Một số sáng kiến để tạo ra một "Indonesia kỹ thuật số" đã được bắt đầu như nhận dạng (ID) điện tử, mua sắm điện tử, nộp thuế điện tử... Indonesia cũng đã hoàn thành dự án Palapa Ring, sẽ tăng kết nối trên toàn quần đảo rộng lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ có sẵn sàng triển khai việc khai thác số hóa để tạo ra dữ liệu thống nhất và đáng tin cậy trên toàn đất nước hay không?

Chuyển đổi kỹ thuật số là một thuật ngữ mà Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) thường sử dụng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Tổng thống đã thành lập nội các và bổ nhiệm ông Nadiem Makarim - người sáng lập công ty khởi nghiệp Gojek, một kỳ lân công nghệ phát triển tại Indonesia - làm Bộ trưởng giáo dục.

Hơn nữa, Tổng thống Jokowi chọn người sáng lập công nghệ tài chính và công nghệ giáo dục làm thành viên của đội ngũ chuyên gia. Gần đây, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny G Plate cho biết Indonesia sẵn sàng trở thành một quốc gia kỹ thuật số vào năm 2035 thông qua việc chuẩn bị tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết ngay bây giờ. Tổng thống Jokowi thậm chí còn tham vọng muốn thay thế các chức năng phục vụ dân sự bằng trí tuệ nhân tạo.

Với tầm nhìn cải cách bộ máy của chính phủ, Indonesia đã có các sáng kiến của chính phủ điện tử. Thứ nhất, Indonesia có ID điện tử, nơi lưu trữ dữ liệu của mọi người trong cơ sở dữ liệu sử dụng loại thẻ có mạch vi xử lý thuộc công nghệ giao tiếp trường gần. Thứ hai, Indonesia có thị trường mua sắm điện tử, nơi tất cả các thực thể chính phủ có thể đấu thầu mua hàng. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có hồ sơ thuế điện tử để giúp người nộp thuế điền vào tờ khai thuế thu nhập thuận tiện. Số hóa là một trong những trọng tâm của chính phủ, người dân Indonesia có thể mong đợi sự tăng trưởng theo cấp số nhân về số lượng dữ liệu mà chính phủ thu thập và tạo ra.

[Indonesia triển khai các chiến lược thương mại để giảm áp lực kinh tế]

Mỗi sáng kiến kỹ thuật số này có giá trị như vàng vì tất cả các dữ liệu nằm rải rác ở các bộ ban ngành khác nhau. Vì vậy, dữ liệu này sẽ chỉ đơn giản là hạt bụi nếu không được quản lý đúng cách.

Điều quan trọng là phải quản lý dữ liệu để các bên liên quan, tổng thống và nội các của ông có thể đưa ra quyết định sáng suốt cho bất kỳ hành động và chính sách nào của chính phủ. Chính phủ phải xây dựng một cơ sở dữ liệu duy nhất chứa tất cả dữ liệu chính xác được thu thập từ mỗi thực thể.

Gần đây, Tổng thống Jokowi đã ký một Quy định số 39/2019 với tên gọi Satu Data Indonesia (một dữ liệu Indonesia) để quản lý dữ liệu tích hợp.

Theo Điều 1 của Quy định này, cơ quan chính phủ cần sản xuất dữ liệu chính xác, cập nhật, tích hợp và chịu trách nhiệm mà chính quyền trung ương và khu vực có thể truy cập và sử dụng được.

Để đạt được một nguồn dữ liệu đáng tin cậy, chính phủ cần có sự cam kết và hỗ trợ thực sự để liên tục xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu. Đây không phải là một dự án hoàn thành ngay lập tức mà là một quá trình làm việc liên tục để xây dựng một hệ thống, một quá trình lâu dài.

Có 3 yếu tố để đạt được mục tiêu này: tài năng có thể quản lý cơ sở dữ liệu để đảm bảo nó hoạt động đầy đủ; cơ sở hạ tầng máy chủ đáng tin cậy và an toàn; và sự hợp tác của tất cả các cơ quan thuộc chính phủ.

Thứ nhất, tài năng phù hợp là rất quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho phép các bên tham gia đưa ra quyết định sáng suốt. Nó yêu cầu các kiến trúc sư dữ liệu xây dựng một kế hoạch cho toàn bộ cấu trúc dữ liệu như sơ đồ, cú pháp và mối quan hệ kết hợp toàn bộ thực thể chính phủ từ mỗi chi tiết.

Tiếp theo, nó yêu cầu các kỹ sư dữ liệu thực thi và xây dựng các tập lệnh lập trình để xây dựng đường ống dữ liệu toàn bộ theo yêu cầu của kiến trúc sư dữ liệu. Khi cơ sở dữ liệu đã sẵn sàng một phần, chính phủ cần các nhà phân tích dữ liệu để trích xuất những hiểu biết từ cơ sở dữ liệu và xây dựng một bảng điều khiển cần thiết cho các hành động của chính phủ. Mỗi dạng tài năng đều quan trọng như nhau trong việc đạt được một chính phủ dựa trên dữ liệu. Số lượng những nhóm tài năng này đang bắt đầu gia tăng nhờ các công nghệ khởi nghiệp gần đây ở Indonesia.

Tuy nhiên, nhu cầu cũng sẽ tăng. Đây là thách thức đối với chính phủ trong việc chuẩn bị các kỹ năng giáo dục, cho dù ở trường phổ thông hay trong giáo dục đại học. Các trường học và trường đại học phải thích ứng tốt với sự phát triển công nghệ gần đây để chuẩn bị cho mỗi sinh viên sẵn sàng với bộ kỹ năng phù hợp trong kỷ nguyên dữ liệu hiện tại.

Thứ hai, tập trung vào các tài sản vật chất, đó là cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và an toàn của máy chủ. Chính phủ phải đầu tư xây dựng một máy chủ cơ sở dữ liệu được kiểm soát hoàn toàn vì nó sẽ chứa tất cả dữ liệu của chính phủ. Một số công ty dữ liệu lớn có thể cung cấp các giải pháp cho chính phủ để xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn, thậm chí họ có thể xây dựng cơ sở dữ liệu vật lý ở Indonesia được chính phủ bảo mật hoàn toàn.

Thứ ba, không kém phần quan trọng là sự hợp tác của tất cả các cơ quan thuộc chính phủ. Sẽ là vô ích nếu các cơ quan chính phủ không hợp tác với Quy định về một dữ liệu Indonesia (Satu Data Indonesia) như đề cập ở trên trong việc xây dựng một nguồn dữ liệu đáng tin cậy duy nhất cho cả nước.

Mỗi thực thể chính phủ có thể phải chọn các nhóm dữ liệu để quản lý dữ liệu do các cơ quan nắm giữ và là trung gian giữa Satu Data Indonesia và các thực thể trong việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Các thực thể chính phủ phải tin rằng sáng kiến dữ liệu sẽ có lợi cho việc xây dựng một nền tảng trong việc đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu. Đây có thể là thách thức, đặc biệt trong việc chuyển đổi dữ liệu theo cách cũ được ghi lại thành lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số.

Tuy nhiên, sự thay đổi văn hóa này là điều cần thiết để Indonesia bắt kịp sự phát triển. Khi tất cả các nền tảng của một nguồn dữ liệu chính xác đã được đặt ra, các bên liên quan, tổng thống, các bộ và người dân, có thể truy cập vào đó và tiến hành phân tích với sự trợ giúp của các nhà phân tích dữ liệu.

Thậm chí, chính phủ có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo từ dữ liệu trong dự báo xu hướng trong tương lai. Cơ sở dữ liệu sẽ cho phép xây dựng một bảng điều khiển hiển thị tất cả các số liệu chính của chính phủ một cách nhanh chóng và chính xác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục