Phù thủy hết phép?

Thầy phù thủy Guus Hiddink đã hết phép màu?

Huấn luyện viên Guus Hiddink dường như sinh ra để chỉ để làm một trong hai nhiệm vụ, tạo ra kỳ tích hoặc những thất bại đầy bi kịch.
Huấn luyện viên Guus Hiddink dường như sinh ra để chỉ để làm một trong hai nhiệm vụ, tạo ra kỳ tích hoặc những thất bại đầy bi kịch.

Ông luôn nói với báo chí rằng, chẳng có cái gì gọi là bí quyết hết, mà mọi thành công đều trải qua những công đoạn như nhau. Thế nhưng, trong thế giới bóng đá, ông vẫn là một trong những chiến lược gia kỳ lạ nhất, khó hiểu nhất, tạo ra nhiều điều kỳ diệu nhất, và cũng tự phá vỡ cái gọi là chân lý của kẻ mạnh một cách tàn bạo nhất.

Hiddink đã quá quen với những thất bại, những thất bại khó tưởng tượng và luôn để lại nhiều ám ảnh. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là sau những cú ngã đau điếng, dường như người đàn ông 63 tuổi ấy lại luôn trở lại với trạng thái cân bằng một cách nhanh nhất.

Ông luôn biết tự làm mới bản thân một cách hiệu quả đáng kinh ngạc. Và trên hết, ông cũng luôn thể hiện một sự tự tin đến lạnh lùng, đôi khi cao ngạo trước mọi biến cố. Gương mặt không có chút xíu cảm xúc nào của huấn luyện viên người Hà Lan trong những phút cuối ở Maribor vẫn thế.

Chẳng có gì khác nếu so với màn sụp đổ kinh hoàng trong những phút cuối của Chelsea trước Barcelona mùa trước. Không giận dữ, không bàng hoàng, không vội vã, và chỉ có một chút thôi - sự bất lực lan tỏa trên băng ghế chỉ đạo.

Ông là người luôn biết kiềm chế cảm xúc? Kể cả những điều tồi tệ nhất, như những gì người Nga vẫn nghĩ về trận đấu trước Slovenia.

Bất cứ chuyên gia nào cũng sẽ cảm thấy có đôi chút ngượng ngùng, nếu cố tìm ra những sai lầm mà Hiddink mắc phải trong giá lạnh ở sân Ljudski. Khi Matjaz Kek ghi bàn gỡ 1-2 ở phút 88 tại Luzhniki, huấn luyện viên sừng sỏ ấy chắc chắn đã đánh hơi được sự nguy hiểm.

Chắc chắn thế, nếu không phải nhờ sự trải nghiệm, thì cũng nhờ linh cảm của một người đã gắn bó với trái bóng tròn từ hơn 40 năm qua.

Ở Slovenia, đội bóng của Hiddink đã không thua vì cú ghi bàn của Zlatko Dedic, mà họ đã thua sức mạnh không thể lường nổi của cả một dân tộc. Không có yếu tố may mắn nào có thể bào chữa cho thất bại ấy.

Hiddink chắc chắn hiểu, cũng như ông luôn hiểu, khi đã làm tất cả để chiến thắng theo cách của mình mà vẫn thất bại, thì đó là bóng đá.

Nếu như Hiddink đã được xem là một phù thủy xuất sắc, thì lẽ ra ông phải tìm ra cách để khắc chế đối thủ? Nhưng khách quan mà nói, Hiddink không thể ra sân thay cho các học trò và ông cũng không thể có bất cứ cách nào tốt hơn để giúp từng người vượt qua nỗi sợ hãi.

Những nỗi sợ hãi rất “con người” tới từ sức ép của cái đám đông chỉ hơn 1 vạn người, nhưng nóng bỏng còn hơn bất cứ chảo lửa ở Moskva. Nỗi sợ hãi ấy còn là nỗi ám ảnh về một kịch bản tệ hại (nhưng thú vị) mà báo chí đã nghĩ ra trước trận đấu. Khi Slovenia ghi bàn, có cảm giác như không chỉ họ tin vào kết quả 2-2, mà ngay cả các cầu thủ Nga cũng thế. Hiddink có thể làm gì?

Nhưng về chủ quan, Hiddink cũng sẽ có trách nhiệm khi không thể thổi vào đội bóng một tinh thần mới sau giờ nghỉ. Trước và sau bàn thắng quyết định của Dedic, vẫn là một tuyển Nga như nhau, khi cần chậm thì lại quá vội vàng, khi cần nhanh thì lại chẳng có tốc độ.

Trong suốt cả hiệp 2, người Nga chơi bóng thiếu ý tưởng đến nỗi, rất nhiều tình huống họ chưa tổ chức phối hợp thì đã bị đối phương bắt bài. Đó không phải là hình ảnh người ta thấy trong trận lượt đi, dĩ nhiên. Và Hiddink đã chủ quan?

Rất nhiều ý kiến đã cho rằng, sai lầm của Hiddink là tiếp tục ở lại xứ bạch dương sau thành công vượt bậc ở EURO 2008. Nếu ra đi ở thời điểm đó, ông vẫn sẽ được tôn vinh như những gì đã làm với Hàn Quốc, Australia, hay Chelsea.

Nhưng vì từ “nếu” trong bóng đá luôn là vô nghĩa, nên Hiddink vẫn cứ tiếp tục là một kẻ chiến bại vĩ đại./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục