Thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến thân thiện môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp triển khai thí điểm các giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính và công nghệ, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn
Thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến thân thiện môi trường ảnh 1(Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN)

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, thay đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong, tạo ra nhu cầu sử dụng bếp cải tiến thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiện đang phối hợp với Tổ chức phi ​chính phủ Hà Lan (SNV) triển khai thí điểm các giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính và công nghệ, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, triệt để và bền vững, Sở đang tập trung rà soát, thống kê các xưởng sản xuất bếp than tổ ong và than tổ ong lên kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

Theo lộ trình đến hết năm 2020, sẽ giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở này. Sở đề xuất kế hoạch, kết nối các đơn vị cùng tham gia triển khai các chương trình, dự án, hoạt động liên quan tới nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, tài nguyên bền vững tại Hà Nội.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận, huyện và các bên liên quan đánh giá, hậu kiểm tra sau quá trình triển khai, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.

Trên cơ sở đó, Sở sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai nhân rộng các giải pháp trên toàn địa bàn, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội.

Các chuyên gia của Tổ chức phi ​chính phủ Hà Lan sẽ tiến hành đo đạc, đánh giá khí thải của bếp than tổ ong đối chứng với các mẫu bếp cải tiến bán trong chương trình dự án, làm cơ sở cho việc tuyên truyền cho người dân để thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi; xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính dựa trên kết quả cho các nhà sản xuất bếp sạch nhằm thúc đẩy thị trường bếp đun sạch tại Hà Nội.

Qua đó người dân có cơ hội tiếp cận với các mẫu bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong đang được sử dụng; tiếp tục thử nghiệm các mẫu bếp mới tìm ra các bếp phù hợp cho thị trường Hà Nội.

Tổ chức phi ​chính phủ Hà Lan sẽ cung cấp cho Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả kiểm định, xác minh thông tin người mua, sử dụng bếp và phản hồi của người sử dụng bếp; hỗ trợ Sở và các đơn vị có liên quan tiến hành đánh giá nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai kết quả của dự án.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình triển khai mô hình thí điểm "Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong” trên địa bàn phường Trúc Bạch.

Tham gia chương trình, người dân phường Trúc Bạch sẽ được thử nghiệm và sử dụng các bếp cải tiến đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế với mức giá ưu đãi tại các kênh phân phối thuận tiện ở địa phương.

Các hộ dân trên địa bàn phường sẽ được dùng thử các loại bếp cải tiến miễn phí trong vòng 1 tháng và mỗi hộ dân được phát miễn phí 5kg nhiên liệu. Cùng với đó, các hộ dân trên địa bàn phường được ưu đãi từ 30-50% kinh phí khi mua bếp cải tiến.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến để tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng các bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức và đặc biệt là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục