Thầy trò các tỉnh miền Trung khốn đốn sau cơn bão

Bão số 10 đã càn quét làm hư hỏng nặng hàng trăm ngôi trường ở miền Trung, thiệt hại của ngành giáo dục lên tới cả trăm triệu đồng.
Mặc dù đã rốt ráo phòng chống nhưng khi cơn bão số 10 quét qua, hàng trăm ngôi trường của các em học sinh miền Trung đã bị hư hỏng nặng .

Thiệt hại cả trăm tỷ đồng

Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quốc Anh, các trường học bị ngã đổ cây xanh, tốc mái phòng học, nhà để xe, nhà vệ sinh, sập hàng rào, cổng trường, nhà bảo vệ. Tổng thiệt hại của ngành giáo dục toàn tỉnh ước tính khoảng hơn 5,6 tỷ đồng.

Bị bão tàn phá nặng nề nhất là ở huyện Kỳ Anh, gần 100% trường, từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều bị thiệt hại do bão.

Tại trường Trung học phổ thông Kỳ Anh, cây đổ đè sập mái 2 gian phòng học bộ môn, bay gần 2.000 viên ngói ở nhiều phòng học, đổ nhiều cây xanh, thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Trường Trung học phổ thông Lê Quảng Chí bị tốc mái, hỏng nhà để xe, hỏng nhà nội trú, đổ cây, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Bích Châu bị tốc mái 300 m2, hỏng nhà để xe, đổ cổng trường, đổ cây, thiệt hại trên 500 triệu đồng…

Tính riêng Kỳ Anh, số tài sản ngành giáo dục thiệt hại ước tính 3,02 tỷ đồng. Con số này ở Hương Khê là khoảng 700 triệu đồng, thành phố Hà Tĩnh 247 triệu đồng, huyện Hương Sơn khoảng 200 triệu đồng. Huyện Đức Thọ có thiệt hại ít nhất, ước khoảng 75 triệu đồng.

Tại Quảng Trị, bão cũng gây thiệt hại cho ngành giáo dục địa phương này khoảng 25 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Phan Văn Kiểu, số liệu báo cáo từ các phòng giáo dục cho thấy, hầu hết các trường bị tốc mái tôn các phòng học cấp 4, nhà vệ sinh, nhà xe cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà ăn nội trú, hư hỏng hệ thống nhà vệ sinh, nhà xe, gãy đổ cây xanh, sập tường rào, cổng trường... Một số trường bị mất điện, nước sinh hoạt, nặng nhất là các trường trên 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Tại huyện Vĩnh Linh có 68/68 trường học bị thiệt hại với ước tính khoảng 17 tỷ đồng, trong đó, bị thiệt hại nhiều nhất là các trường mầm non Vĩnh Thái, Vĩnh Hiền, Vĩnh Lâm, khu lẻ Thủy Ba hạ Vĩnh Thủy, số 2 Vĩnh Long...; các trường tiểu học Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, khu lẻ Thủy Ba hạ Vĩnh Thủy, Tiểu học Vĩnh Chấp khu Lai Bình, số 2 Vĩnh Long... Các trường trung học cơ sở Vĩnh Sơn, Vĩnh Chấp...

Các trường trên đến nay vẫn chưa tổ chức dạy học lại được.

Tại huyện Gio Linh, có 44/62 trường bị thiệt hại do bão số 10 gây ra. Tổng thiệt hại ước tính 3,6 tỷ đồng. Con số này ở huyện Cam Lộ khoảng 850 triệu đồng, thành phố Đông Hà khoảng 700 triệu đồng, huyện Hải Lăng khoảng 225 triệu đồng. Các huyện còn lại thiệt hại không đáng kể, chủ yếu bị gãy đổ cây xanh, hư hỏng nhẹ.

[Hàng nghìn học sinh Nghệ An vẫn nghỉ học sau bão]

So với Hà Tĩnh và Quảng Trị thì sức tàn phá của bão số 10 vào Quảng Bình nặng nề hơn rất nhiều. Trao đổi với phóng viên Vietnam+ qua điện thoại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình Trần Đình Nhân nói: “Tổn thất với Quảng Bình là rất lớn. Ở tất cả các huyện, trường tốc mái, cửa kính vỡ, hàng rào sập, nhà xe đổ…”

Ngay sau bão, lãnh đạo Sở đã đến các địa phương để nắm tình hình. Chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão là huyện Quảng Trạch. Riêng huyện này, số tài sản bị nhấn chìm theo bão của ngành giáo dục đã lên đến 83 tỷ đồng. Ở Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch… thiệt hại do bão cũng rất nghiêm trọng.

Cũng do bị thiệt hại nặng nề nên đến thời điểm này, Quảng Bình vẫn chưa thể tổng hợp được tình hình toàn tỉnh để báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khẩn trương khắc phục

Ngay sau bão, ngành giáo dục đào tạo các địa phương đã khẩn trương bắt tay vào việc khắc phục hậu quả để đưa việc dạy và học trở lại sớm nhất.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, ngay sáng ngày 1/10, nhiều trường học dành tiết đầu để dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả của bão, sau đó học tập bình thường.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão nên nhiều trường vẫn còn nghỉ học như ở Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê.

Tại Quảng Trị, theo ông Phan Văn Kiểu, trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, trường học nhanh chóng tổng vệ sinh môi trường, lau chùi, sắp xếp phòng học, tổ chức chu đáo việc ăn, ở đối với học sinh các trường nội trú, khẩn trương tiến hành sửa chữa nhỏ các công trình bị hư hỏng nhẹ.

Những trường sau bão học sinh chưa thể trở lại học bình thường, Sở đề nghị các trường chủ động cho học sinh đi học lại với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Cũng theo ông Kiểu, ở 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, gia đình nhiều em học sinh bị thiệt hại khá nặng nên việc hư hỏng sách vở, đồ dùng dạy học, đã ảnh hưởng đến việc học tập của các học sinh khi trở lại trường. Sở đã chỉ đạo các đơn vị có chính sách hỗ trợ các em học sinh này.

Bên cạnh đó, ông Kiểu cũng kêu gọi toàn ngành cũng như ủy ban nhân dân các địa phương hỗ trợ sách giáo khoa, vở, đồ dùng dạy học cho các trường bị thiệt hại nặng để sớm ổn định tình hình dạy học.

Đây cũng là chia sẻ của ông Trần Đình Nhân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình. “Quảng Bình vốn là một địa phương còn nhiều khó khăn, lại bị bão tàn phá nặng nề. Chúng tôi rất mong sự chung tay chia sẻ của người dân cả nước để người dân Quảng Bình nói chung và các em học sinh nói riêng bớt phần khó khăn, tiếp tục cắp sách đến trường,” ông Nhân nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục