Thấy xương hóa thạch rồng Komodo ở Australia

Việc phát hiện ra xương hóa thạch của rồng Komodo tại Queensland, Australia đã cho thấy đây là nơi tiến hóa của loài thằn lằn này.
Một nhóm các nhà khoa học đa quốc gia đã đảo ngược lý thuyết tồn tại lâu nay rằng loài thằn lằn lớn nhất thế giới, hay còn gọi là rồng Komodo, tiến hóa trên các hòn đảo của Indonesia.

Rồng Komodo, có cân nặng khoảng 70kg và dài chừng 3m, được coi là khởi nguồn cho truyền thuyết về loài rồng của người Trung Quốc.

Hiện nay, rồng Komodo là loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, với số lượng chỉ khoảng 5.000 con sống tại một số đảo cô lập ở miền Đông Indonesia, khu vực được rất nhiều nhà khoa học tin là nơi phát sinh.

Thế nhưng, việc phát hiện ra xương hóa thạch của rồng Komodo tại 3 địa điểm khác nhau trên khắp tiểu bang Queensland của Australia đã châm ngòi cho một lý thuyết mới rằng chính Australia mới là trung tâm tiến hóa của loài thằn lằn khổng lồ này.

Công trình của nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà khoa học từ Malaysia, Indonesia và Australia do tiến sĩ Scott Hocknull thuộc Bảo tàng Queensland lãnh đạo, được công bố ngày 30/9 trên trang web của tạp chí khoa học PLoS ONE.

Theo tiến sĩ Hocknull, các xương hóa thạch được phát hiện ở Queensland giống hệt xương của rồng Komodo, nhất là một bộ xương tìm thấy ở Dãy núi Etna có niên đại cách đây khoảng 300.000 năm.

Kích cỡ của các bộ xương hóa thạch này cho thấy rồng Komodo luôn luôn là một loài thằn lằn đất lớn và sống 4 triệu năm ở Australia trước khi bị tuyệt chủng.

Tiến sĩ Hocknull nói với Tổ hợp truyền thông ABC rằng các bộ xương hóa thạch chỉ ra rằng  rồng Komodo có xuất xứ ở Australia vào khoảng 4 triệu năm trước đây và tiếp tục tồn tại ở đó ít nhất cho đến cách đây 300.000 năm.

Các nhà nghiên cứu tin rằng rồng Komodo phân tán về phía Tây, tới tận Flores - một hòn đảo ở miền Đông Indonesia giữa biển Java và biển Banda, cách đây 900.000 năm.

Về nguyên nhân gây tuyệt chủng của loài thằn lằn này ở Australia, tiến sĩ Hocknull cho rằng có thể là do sự xuất hiện của con người ở Australia hay sự biến đổi khí hậu, hoặc là do kết hợp của cả hai yếu tố nói trên.

Theo tiến sĩ Hocknull, rồng Komodo đã ở đảo Flores trên một triệu năm, trải qua những thay đổi của hệ động vật cũng như hiện tượng núi lửa phun trào. Rồng Komodo thu hẹp phạm vi sinh sống tới những vùng duyên hải, nơi chúng được thấy ngày nay, cách đây 2.000 năm. Lý do duy nhất để giải thích điều đó là sự phá hủy môi trường sống và sự ngược đãi của con người hiện đại./.

Ngọc Quang/Sydney (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục