The BandFest 2018

1. Sau hơn 3 giờ đồng hồ các nghệ sỹ trình diễn trên sân khấu The BandFest 2018, không ít khán giả thừa nhận họ vẫn ít nhiều có cảm giác “là lạ” bởi chưa bao giờ Nhà hát Lớn lại là nơi tổ chức một show diễn chỉ có ban nhạc.

Người Hà Nội vẫn quen bước vào thánh đường âm nhạc để nghe nhạc cổ điển, các đêm nhạc chủ đề, đêm nhạc tác giả hay liveshow của các ngôi sao hạng A. Nhưng một sự kiện toàn các ban nhạc lại mang phong cách chủ đạo là jazz như The BandFest vào tối 30/4 lại là sự kiện hiếm.

Cần phải nhìn nhận rằng, quyết định này của nhạc sỹ Anh Quân trên vai trò tổng đạo diễn chương trình và êkíp sản xuất là rất thách thức. Thói quen của khán giả đại chúng là một vấn đề. Mặt khác, thực tế trong đêm diễn, quả có lúc người nghe cũng bị cảm giác “chiếc áo” Nhà hát Lớn hơi “chật” với các ban nhạc. Và đúng là nếu không có 10 phút giải lao trước khi vào phần trình diễn của nghệ sỹ Nguyên Lê và ban nhạc, hẳn nhiều người sẽ mệt nhoài sau đêm diễn…

Đó là sự “ra quân” của một thế hệ nghệ sỹ Việt Nam rất trẻ và tài năng. Không chỉ kỹ năng trình diễn mà quan trọng hơn, ý thức sáng tạo trong âm nhạc của họ là điều đáng ghi nhận.

2. Nhóm Jazz Glory mở đầu buổi diễn với 2 bản hòa tấu và 2 ca khúc kinh điển kết hợp cùng giọng ca người Thuỵ Điển Anna Hogberg và một bản phối lại bài hit của Soobin Hoàng Sơn. Bước ra từ cuộc thi Ban nhạc Việt 2017, Jazz Glory đã khẳng định với khán giả mình “trẻ tuổi nhưng không trẻ nghề.”

Lựa chọn jazz fusion là phong cách chủ đạo, các chàng trai trẻ không ngại ngần đưa các chất liệu truyền thống như ngũ cung vào tác phẩm của mình. Kỹ thuật chơi nhạc nhuần nhuyễn, sự ăn ý của các thành viên và có lẽ cả sự thăng hoa khi được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn vốn là mơ ước của mọi nghệ sỹ Việt Nam đã khiến Jazz Glory chinh phục người nghe.

Jazz Glory đã hoàn thành nhiệm vụ mở màn, đốt lên năng lượng cho cả đêm diễn. Trên một phương diện khác, họ cũng truyền tải thành công thông điệp của nhà tổ chức chương trình. Đó là sự “ra quân” của một thế hệ nghệ sỹ Việt Nam rất trẻ và tài năng. Không chỉ kỹ năng trình diễn mà quan trọng hơn, ý thức sáng tạo trong âm nhạc của họ là điều đáng ghi nhận.

Jazz Glory. (Ảnh: Minh Tâm)
Jazz Glory. (Ảnh: Minh Tâm)

Quan niệm lâu nay của công chúng cũng như giới chuyên môn gần đây thường cho rằng, nghệ sỹ trẻ sẽ trong nước sẽ hướng về thị trường, chạy theo trào lưu về bản hit, về những con số trên bảng xếp hạng. Nhưng những ban nhạc như Jazz Glory hay The Yellow Star Big Band đã có cuộc “ra quân” chính thức đầy ấn tượng và thuyết phục rằng vẫn có cả những người trẻ theo đuổi thứ âm nhạc “vị nghệ thuật” với tất cả niềm đam mê của họ.

Nếu Jazz Glory là sự chỉn chu, chắc chắn trong tay nghề thì The Yellow Star Big Band lại là một cá tính đáng nể.

Theo đuổi mô hình “big band” (dàn nhạc lớn chuyên về jazz và swing thường có từ 12 thành viên trở lên), tại thời điểm hiện tại ở Việt Nam là một lựa chọn lãng mạn bởi nhạc jazz nói chung vốn đã không có một “thị phần” lớn trong đời sống biểu diễn, big band càng “cửa hẹp” hơn. Ấy vậy mà ban nhạc đến từ Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội lại có thâm niên đã tới 10 năm. Ở đây, cần ghi nhận sự tâm huyết, ấp ủ và ươm mầm của những thế hệ giảng viên trường nghệ thuật quân đội. Nhưng bản thân sự theo đuổi của 17 thành viên trẻ của ban nhạc cũng rất đáng trân trọng.

Ban nhạc giữ kỉ lục với 17 thành viên theo mô hình
Ban nhạc giữ kỉ lục với 17 thành viên theo mô hình “big band” Yellow Star Big band. (Ảnh: Minh Tâm)

Điều đáng nói hơn là phần trình diễn của nhóm nhạc (có lẽ) đông nhất Việt Nam hiện nay lại vô cùng sôi động và sáng tạo. Họ không chỉ làm nóng sân khấu Nhà hát Lớn với những tác phẩm sôi động như “In the pocket” hay “Pick up the pieces” mà còn khiến khán giả bất ngờ với “Lẳng lơ,” một ca khúc riêng kết hợp chất liệu truyền thống Bắc bộ với phong cách swing của dàn big band.

Người nghe cũng cảm nhận được tinh thần phóng khoáng, nghịch ngợm đúng “chất lính” của những chàng trai trong bộ đồng trẻ măng này. Dường như chính điều đó khiến phần kết hợp của họ với bộ đôi PB Nation hoàn toàn không hề chênh phô mà rất hòa quyện.

Những ca khúc vốn được PB Nation thể hiện theo phong cách hip hop kết hợp với nhạc cụ điện tử giờ đây được chuyển sang cho dàn kèn đồng của big band tạo nên một màu sắc mới mẻ nhưng vẫn không mất đi sự sôi động của chúng. Đặc biệt ở bản “hit” – “Overmax,” nhiều khán giả đã không thể ngồi yên trên hàng ghế.

(Màn trình diễn của Yellow Star Big band)

3. Có thể trên mặt bằng âm nhạc đại chúng, những sản phẩm âm nhạc của Jazz Glory hay The Yellow Star Big Band sẽ không thể trở thành “hiện tượng tiêu thụ” nhưng chắc chắn ai đã có mặt trong khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội tối 30/4 đều đang nhen nhóm một sự hy vọng và cả niềm mong đợi họ sớm ra mắt các sản phẩm chính thức. Và có lẽ đó chính là điều mà dự án The Bandfest hướng đến từ một buổi diễn như thế này.

Trở thành tâm điểm trên sân khấu The BandFest 2018, các ban nhạc trẻ Việt Nam không chỉ thổi làn gió mới mà quan trọng hơn, là làm lộ diện một thế hệ nghệ sỹ trẻ đầy tiềm năng. Điều dễ nhận ra, nhân vật để lại dấu ấn đậm nét nhất trong hơn 3 tiếng đồng hồ trên sân khấu The BandFest 2018 không phải những cái tên hạng A như Nguyên Lê, Benjamin Schatz hay diva Mỹ Linh. Bởi họ đã chính là sự bảo chứng cho những màn trình diễn đáng giá. Người gây nhiều chú ý nhất chính là tay trống trẻ Lê Minh Hiếu. Năm nay 20 tuổi, Hiếu trông như một anh chàng lập trình viên hay công chức với chiếc kính cận và khuôn mặt hiền lành. Nhưng khi ngồi vào bộ trống, Hiếu là “kẻ đáng gờm” biết cách mê hoặc người nghe.

Trở thành tâm điểm trên sân khấu The BandFest 2018, các ban nhạc trẻ Việt Nam không chỉ thổi làn gió mới mà quan trọng hơn, là làm lộ diện một thế hệ nghệ sỹ trẻ đầy tiềm năng.

Là trưởng nhóm Jazz Glory và là người được nghệ sỹ Nguyên Lê chọn vào vị trí trống trong nhóm tứ tấu của ông, Hiếu vượt qua câu chuyện của một tài năng thiên phú, ở cậu toát ra cả một tư duy mới ở thế hệ nhạc công trẻ hiện nay.

Nói như nhạc sỹ Anh Quân, chính những con người như Hiếu, như những anh lính trẻ quyết tâm theo đuổi phong cách big band là nguồn cảm hứng và động lực cho thế hệ nghệ sỹ đi trước phải làm gì đó.

Cũng chính bởi lý do đó, Nguyên Lê đã nhận lời trình diễn ở The BandFest 2018. Ông đưa về Việt Nam ban nhạc mới nhất của mình, một nhóm tứ tấu đa quốc tịch. Và đúng như một khán giả “tai già” trải lòng bằng dòng trạng thái trên trang cá nhân ngay sau khi kết thúc đêm diễn: Bỏ một khoản tiền chưa tới 2 triệu đồng thậm chí ít hơn để được thưởng thức Nguyên Lê trình diễn trong 1 tiếng trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội không bao giờ phí phạm.

  • 109-1525256017-56.jpg
  • 107-1525256302-24.jpg
  • 249-1525256326-55.jpg
  • 176-1525256386-9.jpg
  • 284-1525256632-85.jpg
  • 233-1525256790-10.jpg
  • 004-1525257197-71.jpg

4. Đẳng cấp của một nghệ sỹ không chỉ là tài năng của anh ta mà còn thể hiện qua những cộng sự nghệ thuật của anh ta là ai. Nguyên Lê là một điển hình như thế. Ông không chỉ là chủ nhân của tiếng guitar mê hoặc mà quan trọng hơn, ông luôn có những cộng sự xuất sắc cùng thể hiện âm nhạc của mình.

 Khi không bị lệ thuộc bởi vai trò của ca sỹ trên sân khấu, dường như âm nhạc trở về một lãnh địa khác của nó, nơi mà những người nghệ sỹ trò chuyện với người nghe bằng nhạc cụ. 

Lần này là nghệ sỹ piano người Đức với lối chơi tinh tế Benjamin Schatz, tay bass cực kỳ sáng tạo Hogyu Hwang đến từ Hàn Quốc và tay trống đầy năng lượng Lê Minh Hiếu. Họ chơi những tác phẩm đã gắn bó với sự nghiệp của Nguyên Lê nhưng theo cách riêng của 4 con người này chứ không hề giống với những gì chính Nguyên Lê đã chơi với những nghệ sỹ khác. Điển hình như bản “Chiếc khăn Piêu” với giọng hát của diva Mỹ Linh không hề giống với bản phối mà Nguyên Lê viết trước đó cho Tùng Dương.

Mỹ Linh phiêu cùng Nguyên Lê band

Có lẽ màn trình diễn của Nguyên Lê là một cái kết không chỉ thỏa mãn cho khán giả về yếu tố thưởng thức mà còn là minh chứng nặng ký cho cái triết lý về ban nhạc. Khi không bị lệ thuộc bởi vai trò của ca sỹ trên sân khấu, dường như âm nhạc trở về một lãnh địa khác của nó, nơi mà những người nghệ sỹ trò chuyện với người nghe bằng nhạc cụ. Cũng giống như không ít người từng đúc kết, đó là một lãnh địa kích thích mạnh mẽ nhất cảm xúc cũng như mỹ cảm của con người.

Nếu có một mong muốn, người viết chờ đợi The BandFest 2019 sẽ được tổ chức ở không gian rộng lớn hơn, dài ngày hơn về thời lượng cũng như số lượng ban nhạc. Bởi như vậy, chắc chắn các ban nhạc sẽ có sự tiếp xúc gần hơn với lượng khán giả đang ngày một lớn và tiềm năng, những người nghe thực thụ và cấp tiến luôn dành một sự mến mộ cho các ban nhạc và chờ đợi cơ hội để được nghe nhạc đúng nghĩa./.

  • 199-1525257644-26.jpg