Thế bí của Tokyo trong xúc tiến thượng đỉnh Nhật-Triều

Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tính đến việc sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Thế bí của Tokyo trong xúc tiến thượng đỉnh Nhật-Triều ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono. (Nguồn: AP)

Theo tờ Nihong Keizai, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tính đến việc sắp xếp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với mục tiêu đạt được đột phá về vấn đề con tin người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 và 1980.

Hiện có một số phương án được đặt ra là tổ chức cuộc gặp này bên lề các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra tại Vladivostok (Nga) vào tháng Chín này hoặc bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York sắp tới - hai sự kiện mà ông Kim Jong-un có thể sẽ tham dự.

Nhật Bản tính toán sau khi Triều Tiên giải quyết tổng thể các vấn đề bắt cóc con tin, hạt nhân và tên lửa thì sẽ tiến tới bình thường hóa quan hệ Nhật-Triều và sau đó sẽ tiến hành hợp tác và viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.

[Triều Tiên nêu điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với Nhật Bản]

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và yêu cầu ông Trump truyền tải lập trường của Tokyo về vấn đề con tin đến chính quyền Bình Nhưỡng.

Theo lời ông Trump, ông Kim Jong-un đã tỏ ra rất sẵn lòng đối thoại với ông Abe. Tuy nhiên, đã gần hai tháng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, vấn đề giải giáp hạt nhân Triều Tiên vẫn đang trong trạng thái bế tắc.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế nhằm vào Triều Tiên vẫn được giữ nguyên, việc Nhật Bản tính toán dùng con bài hợp tác kinh tế để thúc đẩy Triều Tiên giải quyết vấn đề con tin là một giải pháp đầy khó khăn.

Theo nhận định của một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản (giấu tên), tiến trình thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đã không tiến triển tích cực như kỳ vọng ban đầu nên việc đàm phán về vấn đề con tin người Nhật cũng trở nên rất khó khăn.

Với Nhật Bản, diễn đàn an ninh đa phương ARF 2018 với sự tham gia của Triều Tiên là cơ hội đầu tiên để tiếp xúc với các quan chức Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trước đây, tại ARF 2017, Ngoại trưởng Kono cũng đã từng có cuộc tiếp xúc ngắn với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho ngay trước bữa ăn tối. Lần này cũng vậy, Ngoại trưởng Kono sẽ tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với ông Ri trong buổi tiệc tối dự kiến diễn ra vào ngày 3/8 để thăm dò khả năng giải quyết vấn đề con tin người Nhật.

Tuy nhiên, nếu quan sát tình hình hiện nay và những động thái từ phía Bình Nhưỡng thì có thể dự đoán phần nào sự thành bại kế hoạch xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều. Có nhiều ý kiến cho rằng trong thời điểm các cuộc thảo luận với Mỹ về phi hạt nhân hóa tiếp tục bế tắc thì Bình Nhưỡng cũng chẳng có tâm trí để đối thoại với Tokyo.

Có lẽ ưu tiên lớn nhất của Triều Tiên hiện nay là thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp ước hòa bình (thay cho Thỏa thuận đình chiến), chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và thay đổi chính sách thù địch với Mỹ. Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên cũng đã nhiều lần phê phán Nhật Bản.

Tờ Rodong (Lao động), Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên mới đây đã có bài xã luận phê phán Ngoại trưởng Kono sau khi ông này kêu gọi người đồng cấp Pháp cùng hợp tác trong vấn đề con tin. Bài báo viết: "Nếu tầng lớp phản động tại Nhật Bản tiếp tục che giấu các tội ác trong quá khứ, bám chặt vào chính sách phản động chống Triều Tiên thì sẽ mang lại sự chỉ trích và chê cười của quốc tế."

Trong một bài xã luận khác, tờ này tiếp tục chỉ trích kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore và cho rằng "Nhật Bản đang cố làm xáo trộn tinh thần hoà giải và tình hình đang có phần lắng dịu trên bán đảo Triều Tiên."

Hiện có nhiều ý kiến trong nội bộ chính quyền Nhật Bản tỏ ý nghi ngờ về khả năng ông Kim Jong-un sẽ xuất hiện tại các diễn đàn quốc tế trong tháng Chín này. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng nếu vội vàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều trong bối cảnh chưa nhìn thấy tiến triển nào trong vấn đề con tin thì cũng sẽ không mang lại kết quả nào tích cực. Đây chính là vấn đề buộc Tokyo phải cân nhắc lại các tính toán của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục