Thể dục dụng cụ VN nhọc nhằn tìm chỗ đứng

Thể dục dụng cụ là môn thể thao thi đấu khó khăn, đào tạo lâu và tốn kém nhất nên tại Việt Nam môn này vẫn loay hoay tìm chỗ đứng.
Sự hòa quyện của các yếu tố nhanh, mạnh, bền và dẻo khiến thể dục dụng cụ trở thành một trong những môn thể thao thi đấu khó khăn nhất, đào tạo lâu nhất và tốn kém nhất.

Song tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, qua nửa thế kỷ du nhập, bộ môn thể thao này vẫn loay hoay tìm chỗ đứng.

Khổ luyện

Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho biết, để đào tạo được một vận động viên thể dục dụng cụ đỉnh cao, thời gian luyện tập phải mất tối thiểu từ 7-9 năm.

Một vận động viên thể dục dụng cụ thường bắt đầu vào nghề từ khi mới 5-6 tuổi, vì ở lứa tuổi này, mới có thể phát huy hiệu quả nhất việc ép dẻo, ép cân nhằm giúp vận động viên có cơ thể thon thả, cơ, xương co giãn tối đa.

Ở độ tuổi ăn chơi, ít lo nghĩ, các cô bé, cậu bé phải học tập cách nén nhịn, trụ vững trước cái đau của đè dẻo. Đôi bàn tay nhỏ xíu phồng rộp và tướp cả da. Tuột tay, rơi sấp xuống mặt thảm do thực hiện cú rời xà Delches chưa thành công, các em phải tự gượng dậy tập tiếp.

Rời khỏi cầu thăng bằng tiếp đất an toàn, vận động viên Đỗ Thị Ngân Thương cho biết "Sau một năm nghỉ thi đấu do án phạt của Liên đoàn Thể dục dụng cụ thế giới, em suy nghĩ rất nhiều. Năm nay, em 20 tuổi, đã "già" so với tuổi nghề trung bình của vận động viên thể dục dụng cụ."

Để trở lại thi đấu, Ngân Thương xác định phải nỗ lực gấp bội so với bình thường nhưng cũng phải tỉnh táo khi thực hiện khối lượng vận động bởi ở tuổi này rất dễ bị chấn thương.

Thực tế, Ngân Thương đã nghỉ tới 4 tháng để rồi đầu năm nay mới tập trở lại. Mà trong thể dục dụng cụ, chỉ cần nghỉ 1 tuần đã phải tập cật lực cả tháng để lấy lại thể trạng cũ, nói gì tới 4 tháng.

Trong một lần tập trở lại ở nội dung cầu thăng bằng, Ngân Thương đã bị chấn thương nặng nên phong độ thi đấu trong giải vô địch quốc gia vừa qua chỉ đạt 70-80%". Nhưng khó khăn nhất là việc các vận động viên nhí phải thực hiện chế độ ăn kiêng như không ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo. Vì thế, bụng mỗi vận động viên "nhí" lúc nào cũng trong tình trạng... sôi ùng ục.

Gian khổ như vậy nên nhiều khi đến giờ nghỉ ngơi ăn cơm mà nước mắt các cô bé, cậu bé vẫn rơi lã chã. Để có được thân hình nhỏ nhắn, các vận động viên nữ thể dục dụng cụ không chỉ tập chạy mà còn tập các bài tập thể lực khác.

"Nhiều lúc chỉ nghĩ đến chạy mà ngán nhưng cũng phải cố nuốt trọn. Sau khi vóc dáng đã đạt mức chấp nhận được, các nữ vận động viên mới tập lại các động tác kỹ thuật", Ngân Thương cho biết thêm.

Có phần mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong từng động tác, đội tuyển nam thể dục dụng cụ hàng ngày cũng phải đổ mồ hôi nhiều hơn trên sàn tập. Với tổng cộng 6 nội dung thi đấu là nhảy ngựa, ngựa vòng, vòng treo, xà kép, xà đơn và tự do, khối lượng luyện tập của các vận động viên nam thể dục dụng cụ, xem ra khá lớn.

Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển nam thể dục dụng cụ, việc kiểm tra thử mỗi tuần, với từng nội dung sẽ giúp cho mỗi vận động viên biết được "điểm rơi" trình độ của mình đến đâu để nghiêm túc luyện tập, tập trung cao độ.

Và tốn kém

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan, để đào tạo được một vận động viên đỉnh cao phải mất 6-10 năm và tốn rất nhiều tiền bạc như việc để giành được những tấm huy chương cao quý tại SEA Games 22, tổ chức năm 2003 tại Việt Nam, từ năm 1997, thể dục dụng cụ đã lên đường sang Trung Quốc "tầm sư học đạo".

Chỉ riêng giá một bộ dụng cụ dùng để thi đấu môn nhảy chống hay cầu thăng bằng đã lên tới cả tỉ đồng.

Ngay tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa, những bộ thể dục dụng cụ lên tới cả tỷ bạc chỉ "dám" đưa ra sử dụng khi có các giải đấu lớn. Đấy là chưa kể đến các loại dụng cụ bổ trợ, tập luyện.

Gian khổ, nhọc nhằn lại tốn kém như vậy nên thể dục dụng cụ trong cảnh "hiu hắt" người tập. Hiện nay rất ít tỉnh, thành và ngành "dám" đầu tư, phát triển bộ môn này.

Nhìn danh sách vận động viên chỉ gồm những gương mặt quen thuộc qua các giải đấu, ông Nguyễn Hồng Minh, Liên đoàn Thể dục Việt Nam lo lắng: những năm gần đây, tuyến trẻ của thể dục dụng cụ nữ chưa được đầu tư thích đáng và chủ yếu trông chờ vào sự đầu tư của thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, các địa phương này cũng chỉ cho vận động viên tập ở nhà là chính với cơ sở vật chất thiếu thốn. Hiện cả nước chỉ có nhà tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội là có đầy đủ dụng cụ để tập.

Ngoài ra, do tình trạng thiếu kinh phí nên năm nay các đội tuyển trẻ của thể dục dụng cụ đã bị cắt quân số hoặc giải tán về các địa phương. Đây là điều đáng lo khi nhìn về lực lượng kế thừa của thể dục dụng cụ!, ông Minh nói.

Cùng quan điểm với ông Minh, bà Nguyễn Kim Lan cho biết vì tâm lý "nhà đầu tư" thường chỉ muốn đầu tư ngắn hạn, nhanh chóng lấy huy chương báo cáo thành tích để có kinh phí đầu tư tiếp, nhưng thể dục dụng cụ không thể ăn xổi, đi tắt đón đầu.

Quan điểm này thể hiện rõ tại giải Vô địch quốc gia môn thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật vừa diễn ra tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Hà Nội. Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có đoàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội và Hải Phòng thi đấu. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay.

Để luyện tập và thi đấu đỉnh cao môn thể dục dụng cụ, cần có đội ngũ huấn luyện viên, chuyên gia giỏi của những nước phát triển. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu trầm trọng đội ngũ này, bởi kinh phí quá cao, nên nhiều nơi đành huấn luyện theo phương thức lớp trước dạy lớp sau.

Những người có trách nhiệm của Liên đoàn Thể dục Việt Nam rất trăn trở về sự phát triển của môn thể thao này, song để có một chiến lược rõ ràng, tìm được hướng ra là vấn đề không đơn giản.

Không có kinh phí đầu tư dài hơi, không cơ sở vật chất và dụng cụ tập luyện, việc phát triển thể dục dụng cụ trong tương lai vẫn rất khó khăn.

Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, trong một hai năm tới, thành tích của thể dục dụng cụ Việt Nam tại đấu trường quốc tế không biết sẽ về đâu. Đây là những trăn trở của lãnh đạo Liên đoàn Thể dục Việt Nam cũng như những người yêu mến môn thể dục dụng cụ.

Khổ luyện thành tài

Kết thúc giải vô địch quốc gia thể dục dụng cụ 2009, đội tuyển Hà Nội xếp thứ nhất toàn đoàn với thành tích 20 huy chương; trong đó có 6 huy chương vàng, 8 huy chương bạc.

Giá trị nhất trong số đó là chiếc huy chương vàng nội dung xà lệch của Đỗ Thị Ngân Thương. Bởi sau án phạt của Liên đoàn Thể dục dụng cụ thế giới, cô gái "Vàng" của thể dục dụng cụ Ngân Thương đã quay trở lại thi đấu hứa hẹn những "mùa gặt vàng" của thể thao Hà Nội.

Để có được chiếc huy chương vàng quý giá ấy, thể thao Việt Nam, hay nói chính xác hơn là thể thao Hà Nội, đã phải bỏ rất nhiều công sức đầu tư, đưa Ngân Thương và các đồng đội của Thương sang Trung Quốc luyện tập nhiều năm.

Những ngày tháng Thương tầm sư học đạo ở Trung Quốc, chi phí bình quân gần 30 USD/ngày, vị chi hết khoảng 2 tỉ đồng! Một trong những yêu cầu khắt khe của thể dục dụng cụ nữ là hình thể càng nhỏ càng tốt! Vì thế, cô gái tuổi 20 như Thương nhìn bề ngoài cứ tưởng chỉ 13-14 tuổi.

Để làm được điều đó, việc đầu tiên là phải kiêng khem. Tiến sĩ Nguyễn Kim Lan cho biết trẻ em nào chẳng thèm kem nhưng Ngân Thương và nhiều bạn trong đội thể dục dụng cụ đã nhiều năm nay chẳng biết đến mùi vị kem là gì vì đó là thứ ăn bị "cấm" đối với các em.

Nghe kể mà không khỏi chạnh lòng! Sau nỗi khổ về chuyện ăn là đến chuyện tập. Chỉ cần nhìn cảnh Ngân Thương, Hà Thanh, Thu Huyền uốn dẻo trên cầu thăng bằng, người mềm như sợi bún, cũng đủ hiểu các em phải khổ luyện như thế nào.

Đang tươi cười với chiến thắng vừa có, nhưng nghe đến chuyện tập là Thương lè lưỡi, lắc đầu: "Em vừa bị chấn thương ở động tác trên cầu thăng bằng, nên hiện nay cứ tập đến động tác đó em vẫn cảm thấy mất bình tĩnh".

"Khổ luyện" từ khi lên 6 tuổi, đến 14 tuổi mới được thi đấu và chẳng mấy chốc những cô gái "Vàng" của thể dục dụng cụ Việt Nam rồi sẽ phải giã từ sân tập.

Bởi khi tuổi đời càng cao thì thực hiện các động tác khó càng vất vả. Có thể nói, không môn thể thao nào lại nghiệt ngã như thể dục dụng cụ, nhưng tiền thưởng cho họ cũng chẳng hơn những môn thể thao khác./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục