Thế giới cam kết chiến lược mới chống đói nghèo

192 nước thành viên Liên hợp quốc nhất trí về một chiến lược mới chống đói nghèo, tăng viện trợ phát triển về lương thực.
192 nước thành viên Liên hợp quốc đã kết thúc tiến trình thương lượng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về lương thực vào tuần tới và nhất trí Tuyên bố chung của hội nghị về một chiến lược mới chống đói nghèo, tăng viện trợ phát triển về lương thực để giúp hỗ trợ hơn 1 tỷ người bị đói trên thế giới.

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) nêu rõ thành công này đã thống nhất toàn thế giới thực hiện một đường lối mới trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Chiến lược mới nhấn mạnh tới sự phát triển và nhu cầu cũng như nghĩa vụ của mỗi nước cung cấp đủ lương thực cho người nghèo ở đất nước họ.

Trong khi các nước giàu tiếp tục viện trợ lương thực và tích cực hành động để xóa tận gốc nguyên nhân của nghèo đói trong tương lai trung hạn và dài hạn, các nước đang phát triển phải có những chuyển đổi mang tính quyết định nhằm tăng mạnh đầu tư vào phát triển nông nghiệp để giảm dần phụ thuộc vào nguồn viện trợ lương thực trực tiếp.

Theo FAO, thế giới cần nâng mức viện trợ lương thực hàng năm lên 44 tỷ USD trong vài thập kỷ tới. Hiện nay, cứ 6 người trên thế giới có 1 người bị đói do giá lương thực tăng cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai và xung đột.

FAO nhấn mạnh việc giảm đầu tư vào nông nghiệp ở các nước đang phát triển trong nhiều thập kỷ qua đã làm tăng số người đói trên thế giới. Viện trợ quốc tế để phát triển nông nghiệp cũng giảm đáng kể, từ 19% năm 1980 xuống 3,6% năm 2006.

FAO nhấn mạnh trong 40 năm tới sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng 70% mới đáp ứng đủ nhu cầu dân số toàn cầu vào thời điểm đó. Các công ty công nghệ sinh học cho rằng cần tăng đầu tư phát triển khoa học nông nghiệp thông qua công nghệ biến đổi gien để tăng năng suất cây trồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục