Thế giới cần tư duy lại về vấn đề an toàn hạt nhân

Một loạt hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Ukraine nhân 25 năm ngày xảy ra thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nhằm giúp cộng đồng quốc tế rút ra những bài học cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân trong tương lai, phát triển các kế hoạch khẩn cấp về phòng ngừa và phản ứng, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng trong những trường hợp khẩn cấp về hạt nhân.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và đổi mới, diễn ra ngày 19/4 tại Kiev (Ukraine) Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tư duy lại trên phạm vi toàn cầu về an toàn hạt nhân.
Một loạt hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Ukraine nhân 25 năm ngày xảy ra thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, nhằm giúp cộng đồng quốc tế rút ra những bài học cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân trong tương lai, phát triển các kế hoạch khẩn cấp về phòng ngừa và phản ứng, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng trong những trường hợp khẩn cấp về hạt nhân.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và đổi mới, diễn ra ngày 19/4 tại Kiev (Ukraine) Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tư duy lại trên phạm vi toàn cầu về an toàn hạt nhân.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ông  Ban Ki-moon nhấn mạnh thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine ngày 26/4/1986 và sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukusima số 1 của Nhật Bản vừa qua đã cho thấy tác động của tai nạn hạt nhân là không biên giới. Thế giới cần đảm bảo chắc chắn rằng sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình với độ an toàn hạt nhân cao nhất.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi rà soát lại mọi chi tiết của các quy chế an toàn hạt nhân; các nước phải ứng dụng tiêu chuẩn cao nhất về phòng ngừa tai nạn hạt nhân, cho phép giám sát độc lập tại các nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo mức độ minh bạch cao nhất để giành được lòng tin của người dân. Các nhà máy điện hạt nhân phải được xây dựng đảm bảo chống được động đất, sóng thần, cháy nổ hoặc lũ lụt.

Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nước sử dụng năng lượng hạt nhân cần nỗ lực tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sử dụng cơ quan này của Liên hợp quốc để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết về các vấn đề an toàn hạt nhân.

Do IAEA hiện tại thiếu quyền lực để giám sát thực hiện các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, ông nhấn mạnh cần tăng cường quyền hạn của IAEA và ủng hộ IAEA triệu tập hội nghị cấp bộ trưởng 151 thành viên, thảo luận về các vấn đề an toàn hạt nhân vào tháng 6 tới để rút ra bài học từ khủng hoảng hạt nhân Fukusima.

Hội nghị đã thông qua tuyên bố kêu gọi các nước nhanh chóng tham gia Công ước về an toàn hạt nhân và kiểm tra độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử trong tình trạng giả định xảy ra biến cố hoặc thiên tai.

Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác và trao đổi kinh nghiệm tiên tiến trong việc vạch kế hoạch, bố trí, xây dựng và đưa vào hoạt động các cơ sở năng lượng nguyên tử sẽ góp phần nâng cao độ an toàn của những cơ sở này.

Cùng ngày, tại Kiev cũng diễn ra Hội nghị quốc tế tài trợ xây dựng vỏ bọc mới cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị nêu rõ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu được những hậu quả từ các thảm họa xảy ở các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Việc thực hiện các biện pháp an toàn hạt nhân cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các loại hình năng lượng hạt nhân. Các đại biểu cũng đã cam kết tài trợ 550 triệu euro (785 triệu USD) giúp Ukraine thực hiện dự án có tổng trị giá gần 1,6 tỷ euro, xây dựng vỏ bọc mới cho lò phản ứng số bốn ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.

Các hội nghị được tổ chức từ ngày 19 đến 22/4 tại Kiev nhân 25 năm xảy ra thảm họa Chernobyl. Ngày 20/4, diễn ra Hội nghị quốc tế mang chủ đề "25 năm thảm họa Chernobyl. An toàn cho tương lai."

Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra ngày 26/4/1986 đã gây nhiễm phóng xạ cho 12 tỉnh của Ukraine với tổng diện tích 50.000 km2, 19 khu vực của Liên bang Nga với tổng dân số 2,6 triệu người và 23% lãnh thổ của Belarus.

Khoảng 600.000 nhân viên cứu hộ, binh lính và công nhân thuộc Liên Xô đã trực tiếp tham gia khắc phục thảm họa này, trong đó, hầu hết đều bị ảnh hưởng sức khỏe và rất nhiều người đã thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục