Kết quả khảo sát mới nhất của WB tại 130 nước cho thấy tỷ lệ người sống dưới mức đói nghèo năm 2010 đã giảm xuống dưới mức 50% so với năm 1990. Tỷ lệ người sống cùng khổ ở các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) giảm từ 41% năm 1981 xuống còn 25% năm 2009.
Cũng theo kết quả trên, số người sống dưới mức nghèo khổ 1,25 USD/ngày và số người sống ở mức nghèo đói 2 USD/ngày tại các nước đang phát triển đều giảm mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2008.
Theo chu kỳ giám sát nghèo đói 3 năm của WB, chu kỳ 2005-2008 là chu kỳ đầu tiên có tỷ lệ nghèo đói giảm đồng loạt trên khắp thế giới. Vào năm 2008, thế giới có khoảng 1,29 tỷ người sống dưới mức nghèo khổ, chiếm 22% dân số các nước đang phát triển, trong khi con số trên vào năm 1981 là 1,94 tỷ người.
[WB-IMF: Có thể đạt mục tiêu giảm đói nghèo vào 2015]
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2008 có 14% dân số sống dưới mức nghèo khổ, giảm từ mức 77% năm 1981 - năm khu vực được đánh giá là có số người nghèo đói cao nhất thế giới. Tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ của khu vực Mỹ Latinh và Caribe giảm từ mức 14% năm 1984 xuống mức thấp nhất là 6,5% năm 2008.
Tỷ lệ người sống cùng khổ ở khu vực Nam Á giảm từ 61% năm 1981 xuống còn 36% năm 2005 và tiếp tục giảm 3,5% từ năm 2005 đến năm 2008. Tỷ lệ người khổ cực ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara cũng giảm từ 51% xuống còn 47%.
Giám đốc Nhóm nghiên cứu của WB Martin Ravallion nhận định rằng mặc dù các nước đang phát triển đã đạt được tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo, nhưng 663 triệu người được coi là sống trên mức đói nghèo ở các nước nghèo vẫn thực sự là nghèo so với tiêu chuẩn nghèo ở các nước thu nhập trung bình và cao.
Thực tế này cho thấy nguy cơ dễ bị tổn thương vẫn đang đe dọa nhiều người nghèo trên thế giới. Theo tiến độ giảm đói nghèo hiện nay, khoảng 1 tỷ người trên thế giới vẫn phải sống cùng khổ vào năm 2015.
Giám đốc Nhóm nghiên cứu về bình đẳng và giảm đói nghèo của WB Jaime Saavedra cho rằng 22% dân số các nước đang phát triển đang phải sống dưới mức nghèo khổ và 42% dân số các nước này sống trong tình trạng nghèo khổ là không thể chấp nhận được.
Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực chống đói nghèo trên nhiều mặt trận, từ tạo thêm nhiều việc làm có chất lượng đến cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế và hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn để bảo vệ những người dễ bị tổn thương./.