Thế giới 'G âm 2' chứa đựng những hiểm họa đáng ngại gì?

Chúng ta đang sống trong một thế giới “G âm 2” - trong đó hai thế lực bá quyền, thay vì cùng hợp tác để cung cấp hàng hóa cho toàn cầu, lại đang làm điều ngược lại đe dọa gây hậu quả cho nền kinh tế.
Thế giới 'G âm 2' chứa đựng những hiểm họa đáng ngại gì? ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng ở Long Beach, California, Mỹ, ngày 14/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin Thế giới G1 do Mỹ thống trị đã kết thúc từ lâu, và hệ thống G2 trong đó Mỹ và Trung Quốc chia sẻ trách nhiệm bá chủ thế giới hiện cũng đã đi vào ký ức.

Trong thế giới G âm 2 hiện tại, các chính sách của Mỹ và Trung Quốc đe dọa gây hậu họa cho nền kinh tế thế giới.

Trong một khoảng thời gian khá ngắn ngủi từ cuối thập niên 80 đến cuối những năm 2000, đặc điểm của thế giới là sự hội tụ, cả về kinh tế lẫn ý thức hệ.

Phương Tây và phần còn lại của thế giới đều đồng tình rằng một trật tự tự do cởi mở là cách tốt nhất để thúc đẩy sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, ngày nay, trật tự ý thức hệ này có nguy cơ tan vỡ, với những hậu quả bất lợi cho nền kinh tế thế giới.

“Thời kỳ hoàng kim” kéo dài 2 thập kỷ này là một trong những thời kỳ siêu toàn cầu hóa thương mại, thể hiện qua sự gia tăng chưa từng thấy trong tỷ lệ xuất khẩu so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới.

Đây cũng là một kỷ nguyên hội tụ kinh tế: lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, mức sống ở các nước đang phát triển đã bắt đầu theo kịp các chỉ số của các nền kinh tế tiên tiến.

Hơn nữa, toàn cầu hóa và sự hội tụ là những yếu tố trợ giúp: các thị trường cởi mở cho phép các nước đang phát triển trở nên thịnh vượng bằng cách xây dựng các ngành công nghiệp dựa trên xuất khẩu, hiện đại và hiệu quả. Và không có quốc gia nào được hưởng lợi từ siêu toàn cầu hóa nhiều hơn Trung Quốc.

[Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc không đạt được tiến triển]

Trật tự tự do làm nền tảng cho kỷ nguyên này phần lớn do Mỹ tạo ra. Chính xác là 75 năm trước, khi cả hai cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước và Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn mới mẻ đối với nhận thức tập thể của các quốc gia, Mỹ đã có thể và sẵn sàng cung cấp 3 loại hàng hóa công cộng thiết yếu nhất thông qua các tổ chức hậu chiến tranh được tạo lập trong Hệ thống Bretton Woods (bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định được xây dựng quanh đồng USD gắn với vàng). IMF sẽ làm nhiệm vụ cung cấp các khoản tài chính khẩn cấp, còn WB sẽ cho vay tiền trong dài hạn.

Trên hết, các thị trường mở cửa sẽ phát triển mạnh mẽ theo Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (nay được gọi là Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO). Đó là một thế giới G1 (một cường quốc mạnh nhất), và Mỹ là bá chủ không ai có thể khuất phục.

Ngày nay, thế giới G1 hay sự hội tụ ý thức hệ đều không còn tồn tại. Nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục kể từ năm 1978, Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai bên cạnh Mỹ (châu Âu vẫn còn quá phân quyền và vướng phải các vấn đề nội bộ gây tổn hại đến sức ảnh hưởng chiến lược). Và sự đồng thuận về những gì giúp cấu thành những nền kinh tế mạnh mẽ đã bị phá vỡ.

Ở phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, một loạt xu hướng kinh tế tiêu cực - bao gồm tăng trưởng chậm hơn, bất bình đẳng gia tăng, và sự tập trung lớn hơn của các cường quốc kinh tế - đã đặt ra câu hỏi về những lợi ích của toàn cầu hóa.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và hậu quả của nó đã làm suy yếu niềm tin vào chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc, và những hậu quả có thể nhận thấy dành cho Mỹ, cũng đã khiến Mỹ hoài nghi về toàn cầu hóa.

Một lượng lớn giới tinh hoa và dư luận Mỹ cho rằng Trung Quốc đã lạm dụng sự hào phóng của Mỹ, thông qua việc thao túng tiền tệ, trộm cắp tài sản trí tuệ, các hoạt động gián điệp và ép buộc chuyển giao công nghệ.

Hơn nữa, việc Trung Quốc gần đây nghiêng sang chủ nghĩa nhà nước và đàn áp chính trị làm gia tăng thêm cảm nhận của Mỹ về sự phản bội, và về một sự đầu tư vào thịnh vượng chung vốn đã trở nên sai lầm nghiêm trọng.

Thế giới G2 (hai cường quốc cạnh tranh nhau) đầy bất hòa này và việc chấm dứt sự hội tụ ý thức hệ hiện đang đe dọa đến sự hội tụ kinh tế, và do đó cũng đe dọa đến sự thúc đẩy triển vọng của các quốc gia.

Trong bất kỳ trường hợp nào, “thời kỳ hoàng kim” của sự hội tụ đã bắt đầu phải đối mặt với những “cơn gió ngược.”

Đầu tiên, biến đổi khí hậu gây rủi ro cho nền nông nghiệp của các nước đang phát triển. Các vấn đề trong lĩnh vực này sẽ tác động đến những nền kinh tế trên, bởi năng suất nông nghiệp cao và gia tăng chính là chìa khóa để chuyển đổi cơ cấu thành công từ canh tác sang sản xuất.

Ngoài ra, sự lan rộng của tự động hóa công nghệ đang thay thế lực lượng lao động không có tay nghề cao bằng các hệ thống máy móc, đe dọa trực tiếp đến khả năng nâng cao thu nhập của các nước nghèo thông qua các hoạt động sản xuất cần nhiều nhân công.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất lại xuất phát từ sự chia tách ý thức hệ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới.

Nhóm G2 của Trung Quốc và Mỹ, thay vì cung cấp các hàng hóa công cộng quan trọng cho các thị trường mở cửa - vốn từng được nhà kinh tế học Charles Kindleberger coi là trách nhiệm của quyền bá chủ - hiện nay lại chỉ toàn cung cấp những “điều xấu” cho toàn cầu.

Khi Mỹ và Trung Quốc áp đặt thuế quan và các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nhau, và khi Mỹ làm suy yếu các quy tắc và thể chế thương mại đa phương, thương mại thế giới đang dần chậm lại, đe dọa đến ngành xuất khẩu của các nước đang phát triển và khả năng tồn tại của các chiến lược phát triển tổng thể của họ.

Đồng thời, Mỹ và các chính phủ phương Tây ngày càng kiểm soát chặt chẽ vấn đề di cư. Do đó, các nước đang phát triển hiện bị trói buộc, và sẽ ngày càng khó xuất khẩu sản phẩm hoặc lao động dư thừa của họ.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu không mang lại tác động tốt cho các nước nghèo - những nước phải gánh chịu hậu quả của sự nóng lên trên toàn cầu.

Tình hình đó đã đủ thảm khốc. Tuy nhiên, có lẽ những “điều xấu” nghiêm trọng nhất do Mỹ và Trung Quốc gây ra mới là thứ kinh khủng nhất.

Các biện pháp đơn phương của Mỹ, vốn đã phớt lờ các quy tắc toàn cầu mà họ từng là nước tham gia thiết lập, đã bắt đầu gây tổn hại cho các tổ chức của Bretton Woods và hệ thống hợp tác quốc tế liên quan.

Trong khi đó, Trung Quốc là một thế lực bá quyền mới nổi, đang thực hiện các hoạt động thống trị mà không nhận được sự ủng hộ của quốc tế.

Việc ngả sang phi dân chủ và có xu hướng đàn áp, Trung Quốc đang thiếu “quyền lực mềm” có thể mang lại cho họ tính hợp pháp để khẳng định sự thống trị của mình: xét cho cùng, để vai trò lãnh đạo trở nên hiệu quả cần đến sự sẵn sàng phục tùng.

Hơn nữa, các thế lực bá quyền cần phải chu cấp đầy đủ cho các thị trường mở cửa. Tuy nhiên, Trung Quốc không cung cấp đủ cơ hội xuất khẩu cho những nước nghèo hơn, mặc dù trước đây họ được hưởng lợi rất nhiều từ các liên kết thương mại sâu sắc với các nền kinh tế tiên tiến hơn.

Việc Chính phủ Trung Quốc gần đây chuyển hướng sang tự cung tự cấp và thúc đẩy các hoạt động bảo hộ trong nước đang góp phần khiến nước này giảm thiểu nhập khẩu nhanh chóng.

Rõ ràng, Trung Quốc có quyền theo đuổi một chiến lược phát triển giúp hỗ trợ sự phát triển phi thường của họ.

Tuy nhiên, họ không thể là một quốc gia bá quyền đầy rộng lượng nếu họ khăng khăng duy trì lập trường bảo hộ gây tổn hại đến hệ thống toàn cầu - và các nước đang phát triển khác - đối với các hàng hóa quan trọng.

Thế giới 'G âm 2' chứa đựng những hiểm họa đáng ngại gì? ảnh 2Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại cuộc đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thế giới G1 do Mỹ thống trị đã qua từ lâu, và hệ thống G2 mà trong đó Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ trách nhiệm bá quyền hiện đang “mờ dần vào ký ức.”

Thay vào đó, chúng ta đang sống trong một thế giới “G âm 2” - trong đó hai thế lực bá quyền, thay vì cùng hợp tác để cung cấp hàng hóa cho toàn cầu, lại đang làm điều ngược lại đe dọa gây hậu quả khủng khiếp cho nền kinh tế toàn cầu.

Có thể hiểu, các nước đang phát triển đã bắt đầu đặt ra một số câu hỏi. Điều gì sẽ xảy ra với hệ thống kinh tế toàn cầu? Hệ thống hiện tại có thể tồn tại đủ lâu để cho phép chúng ta phát triển thịnh vượng hay không? Làm thế nào chúng ta sẽ vượt qua vòng nhiễu loạn toàn cầu tiếp theo? Và thậm chí là liệu sự hợp tác sẽ có nghĩa lý gì khi hai “nhân vật chính” dẫn dắt toàn cầu đang phá hoại chủ nghĩa đa phương và các thể chế để duy trì nó?

Mỹ và Trung Quốc cho đến nay vẫn không đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi này. Có một câu ngạn ngữ cổ của người châu Phi ví von rằng “khi voi đánh nhau, cỏ bị đau.” Ngay bây giờ, phần còn lại của thế giới đang rất lo sợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục