Thế giới ghi nhận gần 423.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới COVID-19 với 39.256 ca; Anh đứng thứ hai với 38.351 ca; tiếp theo là Mỹ (37.561 ca).
Thế giới ghi nhận gần 423.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 13/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 14/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 253.652.283 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.110.192 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 422.735 và 5.929 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 229.316.697 người, 19.180.394 bệnh nhân đang được điều trị và 77.597 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Nga dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 39.256 ca; Anh đứng thứ hai với 38.351 ca; tiếp theo là Mỹ (37.561 ca).

Nước Nga cũng tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.241 ca trong ngày - cũng là mức cao kỷ lục mới của nước này; tiếp theo là Ukraine (695 ca) và Mỹ (479 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 47.888.451 người, trong đó có 783.412 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.426.774 ca nhiễm, bao gồm 463.245 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.953.838 ca bệnh và 611.255 ca tử vong.

Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là "rất đáng lo ngại."

Trong tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh, tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. ECDC cho biết số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungaria và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại."

[Thế giới đã ghi nhận hơn 253 triệu ca mắc mới COVID-19]

Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm cao trong tuần này. Nằm trong danh sách "đáng lo ngại" hiện có 13 quốc gia Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia.

Cyprus, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, "tình hình đáng lo ngại vừa phải" và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

Thế giới ghi nhận gần 423.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 12/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu thống kê từ kênh truyền hình NTV của Đức cho biết với 41.324 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 tính từ đầu dịch đến nay tại Đức là 5.001.535 ca, trở thành quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ năm tại châu Âu, sau Anh, Nga, Pháp và Tây Ban Nha.

Theo giới chức y tế Đức, số ca nguy kịch tại các khoa chăm sóc đặc biệt đang ngày càng tăng do số ca nhiễm mới hàng ngày tăng cao.

Tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng đang ở mức báo động. Hiệp hội Y học và Cấp cứu chuyên sâu Liên ngành Đức (DIVI) cảnh báo: “Thời gian đã hết và rằng ngưỡng 3.000 bệnh nhân nguy kịch trong các khoa chăm sóc đặc biệt sẽ kịch trần trong 2-3 ngày tới.”

Trong khi đó, Viện Robert Koch (RKI) thông báo tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua của Đức đã tăng lên 277,4 ca/100.000 dân, mức kỷ lục kể từ đầu dịch và cao hơn nhiều so với mức cao 197,6/100.000 trong đợt dịch thứ hai vào tháng 12 năm ngoái.

Là một trong những nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) khởi động chiến dịch tiêm chủng, nhưng hiện tỷ lệ bao phủ vaccine của Đức đã tụt xuống dưới các nước EU khác.

Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, hiện có 58,233 triệu người tiêm một mũi vaccine, chiếm khoảng 70% dân số, trong khi chỉ có 56,14 triệu người tiêm đủ hai mũi, chiếm khoảng hơn 67,5% dân số, thấp hơn nhiều so với mức 87% ở Bồ Đào Nha, 83% ở Malta, 81% ở Iceland và 80% ở Tây Ban Nha.

Tính đến nay, mới có 3.785.019 ca tiêm mũi tăng cường, chiếm khoảng 4,55% dân số.

RKI cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có thể đảo ngược xu hướng tăng hiện nay.

RKI khuyến cáo những người chưa tiêm nên đi chủng ngừa khẩn cấp cũng như thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch, trong đó có thể hủy bỏ tất cả các sự kiện lớn nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm hiện nay.

Tại Đông Nam Á, tính tới hết ngày 13/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.679 ca mắc mới COVID-19 và 294 ca tử vong.

Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.581.582 trường hợp và 284.142 ca tử vong. Toàn khối có 12.879.780 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong những ngày gần đây.

Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến số ca tử vong vẫn ở mức cao, trong ngày 13/11 lên tới 238 ca.

Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây. Thái Lan đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 7.057 ca trong ngày 13/11.

Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới khoảng 5.000-6.000 ca mỗi ngày. Diễn biến dịch tại Campuchia đang ổn định ở mức kiểm soát rất tốt, chỉ với 60 ca nhiễm, 5 ca tử vong trong một ngày qua.

Từ một điểm nóng của khu vực và thế giới, diễn biến dịch tại Indonesia đã giảm rất mạnh. Trong ngày 13/11, Indonesia ghi nhận 359 ca nhiễm mới và 16 ca tử vong mới..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục