Thế giới ghi nhận hơn 3,5 triệu ca mắc, trên 245.000 ca tử vong

Quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là Mỹ với tổng cộng hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 67.400 ca tử vong.
Nhân viên y tế Mỹ chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ tàu bệnh viện USNS Comfort về tiếp tục điều trị tại một bệnh viện địa phương ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế Mỹ chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ tàu bệnh viện USNS Comfort về tiếp tục điều trị tại một bệnh viện địa phương ở New York. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu của trang web thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 3/5, thế giới ghi nhận hơn 3,5 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hơn 245.000 ca tử vong.

Quốc gia chịu tác động mạnh nhất là Mỹ với tổng cộng hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 67.400 ca tử vong.

Giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vắcxin ngừa virus đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vắcxin vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021.

Số vắcxin trên được lựa chọn từ 93 loại vắcxin do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vắcxin chỉ trong thời gian tối đa tám tháng.

Tại châu Âu, ngày 3/5, Nga ghi nhận thêm tới hơn 10.600 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 134.687 ca. Đáng chú ý, có tới hơn 50% số ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng. Hiện số ca tử vong là 1.280 ca sau khi ghi nhận thêm 58 ca tử vong mới.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất với 5.948 ca mới, đưa tổng số ca lên 68.606 ca. Trong đó, Moskva ghi nhận 729 ca tử vong và 7.029 ca bình phục.

Theo báo cáo ngày 3/5 của Bộ Y tế Pháp, nước này ghi nhận thêm 166 ca tử vong, mức thấp nhất trong hơn năm tuần qua. Kể từ khi bùng phát ngày 1/3 vừa qua, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 24.760 người dân Pháp. Sức ép đối với các cơ sở chăm sóc y tế hiện đã lắng dịu phần nào khi số các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch giảm đáng kể.

Trước những diễn biến tích cực trong công tác phòng chống dịch, Chính phủ Pháp đã quyết định nới lỏng dần lệnh phong tỏa đất nước từ ngày 11/5 tới.

[Lãnh đạo châu Âu ủng hộ gây quỹ tìm kiếm vắcxin chống COVID-19]

Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo thêm 164 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 25.264 ca. Đây cũng là ngày có số ca tử vong mới thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 18/3 vừa qua.

Với hơn 880 ca nhiễm mới, Tây Ban Nha hiện có tổng cộng 217.466 ca. Quốc gia này đang triển khai kế hoạch bốn giai đoạn để dần nối lại các hoạt động vào cuối tháng Sáu tới.

Thế giới ghi nhận hơn 3,5 triệu ca mắc, trên 245.000 ca tử vong ảnh 1Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một sân tennis ở Seoul, Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tại châu Á, sau một ngày không có ca nhiễm mới, Hàn Quốc ngày 3/5 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trở lại mức trên 10 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh và dỡ bỏ cách ly đã tăng lên trên 300 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là 10.793 ca và số ca tử vong là 250 ca.

Ngày 3/5, Chính phủ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ tuần tới, quốc gia này sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội vốn được áp đặt từ cuối tháng Ba, trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đã chậm lại.

Cùng ngày, Chính phủ Iran thông báo từ ngày 4/5 các đền thờ Hồi giáo tại 132 tỉnh có nguy cơ thấp sẽ mở cửa trở lại sau thời gian tạm đóng cửa từ đầu tháng Ba do dịch bệnh. Iran cũng đang cân nhắc mở cửa các trường học vào khoảng ngày 16/5 tới để các lớp học hoạt động trở lại khoảng một tháng trước kỳ nghỉ Hè.

Các hoạt động kinh tế sẽ được thực hiện dần dần nhưng vẫn cảnh báo người dân chuẩn bị tâm lý cho các kịch bản xấu là dịch bệnh kéo dài tới mùa Hè. Kể từ khi phát hiện các ca nhiễm mới đầu tiên hồi giữa tháng Hai, đến ngày 3/5, Iran đã ghi nhận hơn 97.424 người mắc bệnh và hơn 6.203 người tử vong.

Ngày 3/5, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này vượt mốc 40.000 ca, lên 40.263 ca trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh là 1.306 ca.

Cùng ngày, các lực lượng Lục quân, Hải quân và Không quân Ấn Độ đã triển khai chiến dịch tôn vinh "các chiến binh corona"- những nhân viên tuyến đầu đã hết mình phục vụ trong cuộc chiến chống dịch bệnh tại quốc gia này. Chiến dịch bắt đầu bằng việc các chỉ huy của quân đội Ấn Độ vinh danh lực lượng cảnh sát tại Đài tưởng niệm cảnh sát quốc gia ở thủ đô New Delhi.

Tiếp đó, Không quân Ấn Độ thực hiện các chuyến bay rải hoa qua các thủ phủ bang trong khi Lục quân cũng triển khai các hoạt động như biểu diễn quân nhạc bên ngoài bệnh viện. Hải quân Ấn Độ đã thắp sáng những con tàu ở bến cảng của các thành phố lớn như Mumbai và Chennai để tri ân đội ngũ bác sỹ, y tá và những người ở tuyến đầu chống dịch.

[LB Nga tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 cao kỷ lục]

Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore ngày 3/5 ghi nhận thêm 657 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại nước này lên thành 18.205 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới là những người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể. Quốc gia này hiện ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất khu vực.

Trong khi đó, giới chức hữu quan Philippines cho biết kể từ ngày 3/5 sẽ ngừng tất cả các chuyến bay chở khách đến nước này trong vòng một tuần lễ để có thời gian xử lý vấn đề các trung tâm cách ly hiện nay đã chật cứng khi hàng nghìn lao động Philippines hồi hương trong bối cảnh đại dịch lây lan khắp thế giới.

Lệnh cấm các chuyến bay đến trên không ảnh hưởng đến các chuyến bay rời Philippines, trong đó có những chuyến chở công dân nước ngoài đang kẹt lại nước này. Tính đến ngày 3/5, Philippines ghi nhận hơn 9.200 ca nhiễm và 607 ca tử vong.

Thế giới ghi nhận hơn 3,5 triệu ca mắc, trên 245.000 ca tử vong ảnh 2Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thái Lan ghi nhận số lượng các ca mắc mới có xu hướng giảm mạnh. Ngày 3/5 quốc gia này chỉ ghi nhận thêm ba ca mới, mức thấp nhất kể từ ngày 10/3. Đây là ngày thứ bảy liên tiếp Thái Lan ghi nhận các ca mới theo ngày ở mức một con số, đồng thời là ngày thứ ba liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong.

Tính tới ngày 3/5, Thái Lan có tổng cộng 2.969 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong, 2.739 bệnh nhân đã phục hồi.

Mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn sẽ có hiệu lực cho tới hết tháng Năm, Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp được áp đặt từ hơn một tháng qua.

Cũng trong ngày này, Lào cho biết không có thêm ca nhiễm mới nào. Như vậy đã 21 ngày liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này không có thêm ca nhiễm và tổng số ca vẫn dừng lại ở con số 19 ca, trong đó chín ca đã bình phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục