Thế giới lại sắp đối mặt với khủng hoảng lương thực

Hiện đã có cảnh báo về tái diễn khủng hoảng lương thực như 2007-2008 trên thế giới, khi mà hạn hán trầm trọng, nạn đói gia tăng.
Hiện đã có những cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng lương thực giống như giai đoạn 2007-2008 trên thế giới, khi mà hạn hán trầm trọng tại Mỹ và khu vực Biển Đen, mưa ít ở Ấn Độ và tình trạng thiếu đói gia tăng ở khu vực Sahel của châu Phi, mà hệ quả tất yếu là giá các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Ông Pinta, một quan chức của Liên đoàn Nông dân Pháp (FNSEA) nói rằng hậu quả của các điều kiện thời tiết không luận lợi trong năm nay sẽ là các vụ thu hoạch nghèo nàn, nhất là ngô ở Mỹ và đỗ tương ở Nga. Giá lúa mỳ và giá gạo đã tăng gần gấp đôi, giá ngô và đỗ tương cũng tăng cao. Điều này đang gây áp lực mạnh mẽ lên giá nông sản.

Giám đốc nghiên cứu khu vực của Ngân hàng Standard Chartered, Samiran Chakraborty cho biết tại Ấn Độ mọi sự chú ý đang tập trung vào vấn đề lạm phát giá lương thực, bởi lượng mưa vào giữa tháng Tám này thấp hơn mức trung bình 15,2%, và dự báo giá gạo châu Á sẽ tăng 10% trong những tháng tới khi nguồn cung thắt chặt.

Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ, Kuruppasserry Varkey Thomas phát biểu mới đây đã nhấn mạnh trước Quốc hội nước này rằng đất nước cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với việc các mặt hàng thiết yếu tăng giá, do triển vọng xấu của vụ thu hoạch vì các điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) đã cắt giảm dự báo sản lượng thóc toàn cầu năm nay, từ 732 triệu tấn trong dự báo trước đó xuống 725 triệu tấn.

Các nhà khí tượng học Nhật Bản cảnh báo rằng dường như thế giới đang cảm thấy sự khởi đầu của hiện tượng thời tiết El Nino, trong đó có hiệu ứng ấm lên tự nhiên ở Tây Thái Bình Dương và dự kiến sẽ kéo dài cho đến mùa đông ở Bắc bán cầu.

Ở Mỹ, các trang trại đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ những năm 1950 và 48 bang của nước này vừa trải qua một tháng Bảy nóng nhất từ trước đến nay. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng ngô nước này có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm trở lại đây, gây áp lực mạnh lên giá ngô vốn đã tăng 40% trong tháng Sáu năm nay này.

Nhà phân tích hàng hóa của Mỹ, Chủ tịch hãng AgResource, Dan Basse nói ông chỉ còn hy vọng vụ thu hoạch của Australia để có thể giúp làm dịu bớt tình trạng thiếu lương thực.

Chủ tịch Hiệp hội quốc gia các ngành công nghiệp thực phẩm Pháp (Ania) Jean-Rene Buisson, cho biết tất cả các sản phẩm dựa trên đầu vào là ngũ cốc; trong đó có thịt, sẽ bị ảnh hưởng bởi giá nông sản tăng. Điều này có thể chưa xảy ra ngay trong tháng Chín năm nay, song trong năm tới là chắc chắn.

Tại Trung Quốc, giá lương thực được coi là một vấn đề nhạy cảm về chính trị, khi chiếm tới 1/3 nguồn thu hàng tháng của người tiêu dùng trung bình.

Tờ Financial Times (FT) cho biết những lo ngại về vụ thu hoạch của Mỹ khiến các quan chức cấp cao G20 và Liên hợp quốc sẽ phải nhóm họp khẩn cấp xem xét vấn đề này, dự kiến vào ngày 27/8 tới, nhằm có được một sự đồng thuận để tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn và căng thẳng về giá lương thực như trong năm 2007-2008.

Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva của Brazil lưu ý các mối lo ngại lớn như việc tích trữ hoặc hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất lương thực, cùng với sự hỗn loạn của người mua. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là sự cân bằng giữa việc sử dụng các loại hạt như là một nguồn trực tiếp của lương thực và vai trò của nó như là thức ăn cho gia súc hoặc cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ông đã kêu gọi Mỹ đình chỉ các chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học để giảm bớt áp lực về tài nguyên lương thực.

Trong khi đó, UNICEF cho biết Sahel của châu Phi là một khu vực thiếu hụt kinh niên lương thực, nơi có số trẻ suy dinh dưỡng ước đã tăng lên mức cao mới 1,5 triệu em, khi dịch tả và nạn châu chấu đang là mối đe dọa mới. Còn Cơ quan cứu trợ World Vision của Australia cho biết hiện tại ở Niger, Mali, Sát, Mauritania và Senegal có tới 18 triệu người đang cần trợ giúp lương thực./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục