Thế giới liệu có đang ở trong cuộc chạy đua vũ trang về kỹ thuật số?

Chuyên gia Michael Richardson cho rằng nỗ lực của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian mạng có thể coi là bằng chứng về việc thế giới đang trong cuộc chạy đua vũ trang kỹ thuật số ở mức độ nhất định.
Thế giới liệu có đang ở trong cuộc chạy đua vũ trang về kỹ thuật số? ảnh 1Ông Yang Chaobin, Chủ tịch Dòng sản phẩm 5G của Huawei, phát biểu trong lễ trương Phòng thí nghiệm mở 5G đầu tiên tại Seoul. (Nguồn: Yonhap)

Theo hãng tin ABC của Australia, Hội nghị Internet thế giới thường niên lần thứ sáu được tổ chức tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc từ ngày 20-23/10 là dịp để Trung Quốc phô diễn sức mạnh kỹ thuật số không ngừng lớn mạnh của mình.

Tại Hội nghị do Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc tổ chức với sự tham gia của các tập đoàn khổng lồ công nghệ Trung Quốc và thế giới như Huawei, Alibaba, Tencent, Microft, Qualcomm, 15 "thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến" trong các lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công nghệ 5G, đã được công bố.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các công nghệ mới, ứng dụng mới và các hình thức kinh doanh mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật chỉ mới xuất hiện.

Ông Tập kêu gọi: "Các quốc gia cần đi theo xu hướng của thời đại, gánh vác trách nhiệm phát triển, giải quyết các thách thức và rủi ro, cùng nhau thúc đẩy quản trị toàn cầu trong không gian mạng và nỗ lực xây dựng một cộng đồng chung một tương lai trong không gian mạng."

Có hai sự kiện lớn thu hút được sự quan tâm và tranh luận tại hội nghị. Thứ nhất, việc giới thiệu bộ xử lý máy tính mới có thể hỗ trợ Hệ thống Tín dụng Xã hội (Social Credit System) 2020 đầy tham vọng của Trung Quốc. Thứ hai, sự thành công ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc xuất khẩu “tầm nhìn về Internet” của nước này ra thế giới.

[Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về thị trường kỹ thuật số Trung Quốc]

Tại hội nghị, Huawei đã giới thiệu bộ xử lý máy tính nhanh nhất thế giới, Kunpeng 920, có tốc độ nhanh hơn 25% so với các đối thủ cạnh tranh và hiệu quả điện năng cao hơn 30%.

Bộ xử lý mới này sẽ giúp làm tăng thêm tốc độ xử lý lượng dữ liệu lớn hơn với trí tuệ nhân tạo và thuật toán học máy. Cụ thể, những bộ xử lý này có thể được sử dụng trong các thuật toán giúp cho việc nhận diện khuôn mặt trong một đám đông hàng chục nghìn người đang di chuyển chỉ trong vòng vài giây.

Với công nghệ trên, chắc chắn Bắc Kinh sẽ có thể thực hiện Dự án Xếp hạng tín dụng xã hội trên toàn quốc vào năm tới, cho phép Chính phủ có thể chấm điểm 1,4 tỷ công dân theo thời gian thực, dựa trên nhiều tiêu chí liên quan đến hành vi xã hội và lòng trung thành với đất nước.

Hệ thống trên sẽ có khoảng 200 triệu camera giám sát được lắp đặt trên toàn quốc, cung cấp dữ liệu vào mạng giám sát được vận hành bởi các thuật toán trí tuệ nhân tạo và máy học.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dành ra một khoản tiền lớn để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Cho đến này, BRI bao gồm cả tài trợ cho các dự án kỹ thuật số, theo cách có thể nhân rộng mạng Internet kiểu Trung Quốc ra các quốc gia khác.

Mô hình Internet theo kiểu Trung Quốc được gọi tên một cách chính thức là "chủ quyền không gian mạng," trong đó nhà nước kiểm soát các nội dung trên mạng Internet của nước mình và ngăn các công dân của mình truy cập vào một phần mạng Internet toàn cầu.

Hiện một số nước như Saudi Arabia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Lào, Serbia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Pakistan, Bồ Đào Nha và Rwanda đã đăng ký tham gia "con đường tơ lụa kỹ thuật số" của Trung Quốc.

Hãng ABC dẫn lời chuyên gia phân tích giám sát kỹ thuật số Michael Richardson cho rằng khi hợp tác với Trung Quốc, các quốc gia có thể chọn và sử dụng một vài khía cạnh của hệ thống Internet của Trung Quốc, ví dụ như camera giám sát, công cụ nhận dạng khuôn mặt và xử lý hình ảnh.

Theo thông tin được công bố tại hội nghị, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc trị giá 31.300 tỷ nhân dân tệ (430 tỷ USD), vẫn thấp hơn nhiều so với nền kinh tế kỹ thuật số của Mỹ, có trị giá 1.400 tỷ USD trong năm 2017.

Đánh giá những nỗ lực của Bắc Kinh trong lĩnh vực không gian mạng, Tiến sỹ Richardson nói điều này có thể coi là bằng chứng về việc thế giới đang ở trong "một cuộc chạy đua vũ trang kỹ thuật số ở một mức độ nhất định".

Chuyên gia này nhấn mạnh, sức mạnh kỹ thuật số mới của Bắc Kinh được thể hiện trong khoản đầu tư "khổng lồ" của nước này vào các công nghệ thuật toán và điện toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục