Thế giới năm 2021: Cuộc 'vượt dốc' gian nan hậu COVID-19

Tiến trình hồi sinh nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu đúng vào lúc nước Mỹ chính thức đón Tổng thống mới, người đã cam kết muốn đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề của thế giới.
Thế giới năm 2021: Cuộc 'vượt dốc' gian nan hậu COVID-19 ảnh 1Hành khách tại ga tàu điện ngầm ở Manhattan, New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Stratfor, 2021 sẽ là một năm mà trọng tâm toàn cầu là cuộc vượt dốc đầy gian nan của cả thế giới để bước ra khỏi đại dịch COVID-19.

Tiến trình hồi sinh nền kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu đúng vào lúc nước Mỹ chính thức đón Tổng thống mới, người đã cam kết muốn đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề của thế giới.

Cả hai yếu tố này rõ ràng sẽ tác động mạnh tới tình hình địa chính trị toàn cầu năm 2021, nhưng yếu tố nào ảnh hưởng tới những đổi thay của thế giới nhiều hơn còn phụ thuộc rất nhiều vào các động lực địa chính trị đã có từ trước.

Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, đã đưa ra dự báo về một số điểm nổi bật trong năm 2021.

Tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu bắt đầu

Cơn địa chấn do đại dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế thế giới sẽ còn kéo dài sang năm 2021, thậm chí kể cả khi sự xuất hiện của các loại vắcxin sẽ phần nào giúp cho các hoạt động kinh tế bớt bị hạn chế.

Nhiệm vụ chính của các nhà hoạch định chính sách trong năm 2021 sẽ là hồi sinh và duy trì được các hoạt động kinh tế nhất là trong bối cảnh nhu cầu người dân cần được hỗ trợ thu nhập vẫn tiếp tục tăng cao và dư nợ vẫn tăng khá nhanh.

Tổng sản lượng toàn cầu chỉ có thể trở lại mức như trước khi xảy ra đại dịch vào khoảng cuối năm, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ trước đó của Trung Quốc và các quốc gia ở khu vực châu Á.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 4-5%, trong đó, Trung Quốc đóng góp tới 1/3. Tiến trình phục hồi kinh tế ở các khu vực khác nhau sẽ không đồng đều và hầu như cả thế giới sẽ chưa thể quay trở lại có mức tăng trưởng như trước khi đại dịch xảy ra cho đến tận năm 2022, kể cả Mỹ và châu Âu.

Những hệ lụy từ tình trạng mất việc làm và mất khả năng thanh toán sẽ khiến chi phí của các chính phủ tăng nhiều, nhất là các khoản chi bất thường. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được duy trì ở mức thấp do cầu phục hồi chậm và các thị trường lao động cũng như thị trường vốn bị đình trệ.

Với các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đại dịch đã khiến các khu vực này trở nên dễ bị tổn thương hơn, nhất là trong vấn đề nợ công và nợ doanh nghiệp. Hàng trăm triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và nhiều thành quả của các nước nghèo đã bỗng chốc đổ ra sông, ra biển. Thế giới sẽ mất nhiều năm để có thể phục hồi hoàn toàn bởi ngay cả trước khi đại dịch xảy ra thì thế giới cũng đã đang trải qua một thời kỳ khó khăn, tăng trưởng chậm.

Nước Mỹ trở lại với chủ nghĩa đa phương

Chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ tập trung xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương và đây là một phần trong chiến lược đối ngoại đa phương tổng thể của Mỹ. Mỹ sẽ nỗ lực củng cố trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn dắt dựa trên luật lệ và tập hợp thêm đồng minh là những nước có cùng chung chí hướng để cải tổ hệ thống thế giới nhằm đối phó hiệu quả hơn với những thách thức của thế kỷ 21, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc, biến đổi khí hậu và vấn đề công nghệ.

Để làm được như vậy, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ sẽ phải vượt qua những bất đồng trong những vấn đề như chi phí quốc phòng, tranh chấp thương mại đồng thời Mỹ cũng cần phải giải quyết được những căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mỹ sẽ tham gia trở lại một số thỏa thuận và cơ chế mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rời bỏ, nhất là những thỏa thuận và cơ chế liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu và nhân quyền.

Mỹ sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc

 Chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng sẽ nỗ lực xây dựng một lực lượng đồng minh liên kết chặt chẽ. Một trong những trọng tâm chủ chốt mà Chính quyền của ông Biden sẽ đối phó với Trung Quốc là ngành công nghệ.

Ông Biden sẽ không quá chú trọng tới các công ty công nghệ cụ thể mà nhắm tới giải quyết vấn đề trên bình diện rộng hơn đối với toàn bộ ngành công nghệ. Một cuộc chiến công nghệ mở rộng nhắm tới cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ viễn thông 5G, kiểm soát chặt chẽ hơn công nghệ điện toán đám mây, các dịch vụ kỹ thuật số và công nghệ tài chính nhiều khả năng sẽ xảy ra.

[Đại dịch COVID-19: “Sát thủ vô hình” tàn phá nền kinh tế thế giới]

Mặc dù Trung Quốc ngày càng bị dồn vào thế phải ứng phó với những kiểu kiểm soát như vậy của Mỹ cũng như các nước phương Tây khác, Bắc Kinh sẽ tìm cách xoa dịu một số khía cạnh trong chiến lược ngoại giao “chiến binh sói” của họ để có thể ngăn cản chiến lược xây dựng mạng lưới đồng minh quốc tế của Mỹ, cũng như chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022.

Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran

Ông Biden sẽ tập trung cho việc đàm phán với Iran. Hiện Mỹ cũng vấp phải những hạn chế nhất định khiến Mỹ không thể chỉ đơn giản muốn quyết định tham gia trở lại vào Kế hoạch Hành động Chung (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân 2015 là có thể quay lại được. Nhưng việc đàm phán tiến tới một thỏa thuận để Mỹ ngừng một số lệnh trừng phạt tài chính đối với ngành dầu khí của Iran và đổi lại Iran phải giảm các hoạt động hạt nhân là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Việc Iran mở rộng các hoạt động của họ ở khu vực Trung Đông những năm gần đây sẽ buộc các cuộc đàm phán liên quan tới JCPOA phải mở rộng hơn chứ không gói gọn chỉ là vấn đề chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều khả năng những cuộc đàm phán như vậy sẽ không thể kết thúc trong năm 2021 mà sẽ còn kéo dài.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là trọng tâm của các kế hoạch phục hồi

Các quốc gia và giới doanh nghiệp, kể cả các công ty sản xuất năng lượng và các công ty tiêu thụ năng lượng lớn, sẽ đều nỗ lực thúc đẩy các hoạt động của mình trong năm 2021 để đạt được các mục tiêu trung hạn về giảm khí phát thải nhà kính. Họ sẽ điều chỉnh các chiến lược kinh doanh để đạt được những mục tiêu này.

Hầu hết các chính phủ cũng sẽ đưa các dự án phát triển xanh trở thành một trụ cột trong các kế hoạch kích thích phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Giới doanh nghiệp đầu tư sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực lớn của họ để đưa mức khí thải về bằng 0 bởi các ngành công nghiệp xả thải nhiều sẽ tiếp tục bị giám sát, kiểm tra hết sức chặt chẽ.

Châu Âu phục hồi với hai tốc độ

Tại châu Âu, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ theo hai tốc độ khác nhau. Trong khi các nước Bắc Âu sẽ hồi phục được phần lớn những mất mát về kinh tế trong năm 2020 như tăng trưởng GDP, việc làm, sản xuất, tiêu dùng, và đầu tư, thì những chỉ số quan trọng này ở các nước Nam Âu sẽ vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức trước khi đại dịch xảy ra.

Chính phủ các nước Bắc Âu sẽ gỡ bỏ các biện pháp kích thích kinh tế để giảm thâm hụt ngân sách trong khi chính phủ các nước Nam Âu sẽ vẫn giữ những chính sách này, thậm chí còn gia tăng các chính sách này, bất chấp thâm hụt ngân sách cao và nợ ngày càng nhiều thêm. Vì thế, những rủi ro về mặt tài chính (bao gồm khủng hoảng nợ công và khủng hoảng ngân hàng) sẽ vẫn cao ở Nam Âu nhưng lại giảm bớt ở Bắc Âu.

Kinh tế hồi phục ở Bắc Âu và những biện pháp kích thích kinh tế ở khu vực Nam Âu sẽ khiến những bất ổn xã hội vẫn có thể xảy ra nhưng ở mức độ có thể kiểm soát được ở cả hai khu vực, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội ở phía Nam sẽ dễ tạo điều kiện cho các hành động và tâm lý chống đối chế độ hiện thời xảy ra.

Sự phân hóa theo kiểu Bắc-Nam trong hoạt động kinh tế ở châu Âu cũng khiến các thành viên trong khu vực sử dụng đồng euro khó đạt được đồng thuận về các biện pháp tăng cường chia sẻ rủi ro kinh tế và tài chính trong chính khu vực tiền tệ của họ.

Chính sách kinh tế táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực áp dụng một chính sách tiền tệ phù hợp hơn nhằm giúp ổn định tình hình tài chính của mình trong năm tới, và nhờ đó sẽ tránh cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những tác động kinh tế tiêu cực từ chính sách đối ngoại táo bạo của họ. Vì những lợi ích về an ninh quốc gia to lớn phù hợp với tôn chỉ của đảng Công lý và Phát triển hiện đang cầm quyền, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động ở khu vực Đông Địa Trung Hải và Levant.

Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở các khu vực này sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng của họ với các nước đối đầu có tầm ảnh hưởng trong thế giới Arab như Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia thêm trầm trọng. Nhưng chừng nào mà Thổ Nhĩ Kỳ không bị Mỹ hay châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt về tài chính vì những hành động của họ thì Ankara sẽ vẫn không ngại gì mà không can thiệp vào các cuộc xung đột ở Trung Đông để nâng tầm vị thế khu vực của họ.

Kinh tế Ấn Độ bắt đầu phục hồi

Nền kinh tế của Ấn Độ sẽ bắt đầu phục hồi vào năm tới và có thể sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất trên toàn cầu nhưng vẫn khó có thể đạt tới mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.

Ấn Độ là một trong các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020 khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế tại đây giảm tới hơn 10% trong năm nay - mức giảm có thể nói là quá khó hồi phục được hoàn toàn trong năm 2021.

Thế giới năm 2021: Cuộc 'vượt dốc' gian nan hậu COVID-19 ảnh 2Xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ấn Độ. (Ảnh: Nikkei)

Không khó để Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2021 nếu chỉ so với mức đình trệ của năm 2020. Tuy nhiên, để tăng trưởng được bền vững, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ cần phải tiến hành những cuộc cải tổ cấu trúc nền kinh tế. Công cuộc cải tổ nền kinh tế Ấn Độ sẽ vẫn chỉ có thể thực hiện ở mức khá chậm chạp vào năm 2021 và không thể đạt được mục tiêu về thời gian quá gấp như Thủ tướng Modi đã đề ra.

Trong khi đó, Ấn Độ còn phải dành nguồn lực cho việc phân phối vắcxin COVID-19 hết sức phức tạp tại quốc gia này bởi dân số quá đông, chính sách của chính phủ trung ương và chính sách của các bang có nhiều khác biệt trong khi phần lớn người dân là những người nghèo khó sống ở nông thôn. Với những yếu tố như vậy, Ấn Độ chỉ có thể phục hồi nền kinh tế của họ hoàn toàn vào năm 2022.

Khủng hoảng tài chính của Argentina

Nền kinh tế của Argentina sẽ tiếp tục vật lộn với nhiều khó khăn vào năm 2021, bởi quốc gia này phải đối mặt cùng lúc với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác của nền kinh tế như lạm phát cao, năng suất thấp, đồng peso mất giá và giới đầu tư cả trong và ngoài nước thiếu tin tưởng vào khả năng của chính phủ có thể giảm bớt được thâm hụt về tài chính cũng như giảm bớt nợ công.

Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động tại Argentina sẽ nhận thấy chính quyền sở tại sẽ có các chính sách can thiệp, các chính sách kiểm soát tiền tệ kéo dài và hệ thống luật pháp yếu kém sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế nói chung và tốc độ tăng trưởng kinh tế nói riêng của quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục