"Thế giới sẽ tiếp tục nắng nóng trong thập kỷ tới"

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng cao hơn so với mức trung bình năm thứ 36 liên tiếp và dự báo thập kỷ tới sẽ có thêm nhiều kỷ lục nắng nóng.
Các nhà khoa học Mỹ ngày 15/1 cho biết năm 2012, nhiệt độ toàn cầu đã tăng cao hơn so với mức trung bình năm thứ 36 liên tiếp và dự báo thập kỷ tới sẽ có thêm nhiều kỷ lục nắng nóng bị phá vỡ.

Năm 2012 là năm nắng nóng kỷ lục thứ 9 dựa trên biện pháp đánh giá của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khi đưa ra nhiệt độ trung bình là 14,6 độ C, cao hơn 0,6 độ C so với thế kỷ 20. Số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy nước Mỹ đã trải qua một năm nắng nóng nhất trong năm 2012. Tuy nhiên, nhiệt độ ở một vài khu vực trên toàn cầu như một phần bang Alaska của Mỹ, Tây Canada, Trung Á và Nam Cực lại trở nên lạnh hơn.

Ông James Hansen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard thuộc NASA cho biết nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận trong năm 2010 sẽ bị phá vỡ vào năm tới. Phát biểu trước báo giới qua điện thoại, ông Hansen cho biết đại dương đang ấm dần lên, điều đó cho thấy rằng hành tinh đang mất cân bằng, nhiều nguồn năng lượng ngày càng bị khai thác một cách quá mức. Tuy nhiên, có thể dự đoán một cách chắc chắn rằng thập kỷ tới sẽ nóng hơn thập kỷ trước.

Hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng nhiệt độ toàn cầu và những trường hợp thời tiết bất thường đang gia tăng do khí thải công nghiệp và khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác bị thải ra môi trường ngày càng nhiều và chúng đang làm nóng dần lên bầu khí quyển.

Theo NASA, nhiệt đột trung bình toàn cầu đã tăng lên 0,8 độ C kể từ năm 1880, thời điểm mà các kỷ lục lần đầu được ghi lại. Kể từ năm 1976, nhiệt độ trung bình của hành tinh đã tăng dần lên hàng năm và chỉ một năm duy nhất trong thế kỷ trước - năm 1998 - là có nhiệt độ cao hơn năm 2012.

Chuyên gia Hansen cho rằng năm 1998 không đại diện cho việc tăng nhiệt độ nói chung do năm này thời tiết bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hiện tượng ấm lên tại Thái Bình Dương hiện nay, và rằng nhiệt độ đã duy trì sự gia tăng khi mà hiện tượng thời tiết chịu sự ảnh hưởng của hiện tượng ngược lại với El Nino là La Nina.

Ông Hansen cũng cho rằng thập kỷ gần đây nhất càng phản ảnh một cách rõ ràng rằng nhiệt độ đã ấm hơn so với thập kỷ trước đó. Trước thực trạng như vậy, các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu xem rằng việc sử dụng biện pháp phun sương công nghiệp đang gia tăng tại Trung Quốc và các nước đang phát triển khác có ảnh hưởng đến sự ấm lên của Trái Đất hay không./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục