Thế giới thảo luận về vấn đề hạt nhân ở Iran

Iran đã đồng ý cho các thanh sát viên quốc tế tới nhà máy làm giàu uranium thứ hai và hai bên cũng nhất trí sẽ gặp lại nhau.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Javier Solana ngày 1/10 cho biết nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran đã nhất trí trên nguyên tắc về việc xuất khẩu uranium của Tehran tới các bên thứ ba để làm giàu thêm.

Phát biểu tại Geneva sau khi kết thúc cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, ông Solana tuyên bố: "Chúng tôi đã nhất trí trên nguyên tắc rằng uranium làm giàu cấp độ thấp sử dụng ở Iran sẽ được đưa sang các nước khác làm giàu ở cấp độ cao hơn, để sử dụng cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu của Tehran hiện đang sản xuất chất đồng vị phục vụ y tế".

Cũng theo ông Solana, Iran đã đồng ý cho các thanh sát viên quốc tế tới nhà máy làm giàu uranium thứ hai tại thành phố Qom, miền Trung nước này và hai bên cũng nhất trí sẽ gặp lại nhau trong vòng những tuần tới.

Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki cho biết cuộc đàm phán tại Geneve giữa Iran và P5+1 đã diễn ra trong bầu không khí "xây dựng", đồng thời khẳng định Iran đã công bố toàn bộ các cơ sở hạt nhân của nước này với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Saeed Jalili tuyên bố cuộc đàm phán nói trên đã tạo ra một cơ hội tốt để loại bỏ mọi lo ngại đối với chương trình hạt nhân của nước này. Ông Jalili cho biết quan điểm của Iran là không nên có một nước nào trên thế sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong phản ứng đầu tiên sau cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định đây là "sự khởi đầu mang tính xây dựng", song cần phải được tiếp nối bằng hành động xây dựng của Chính quyền Iran.

Ông Obama cảnh báo Washington sẵn sàng gia tăng sức ép nếu Tehran trì hoãn thực hiện các nghĩa vụ của mình. Theo ông Obama, Iran phải cho phép các thanh sát viên quốc tế "tự do tiếp cận" nhà máy làm giàu uranium thứ hai trong vòng hai tuần tới.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đánh giá các cuộc đàm phán với Iran là "hữu ích" và mong muốn Tehran có các "hành động cụ thể".

Người pháp ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho biết trong cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Iran, ngoài vấn đề hạt nhân, Washington còn yêu cầu Tehran khẩn trương giải quyết vụ ba người Mỹ bị bắt giữ ở nước này.

Pháp cũng cho rằng Iran phải chứng minh họ đang thay đổi phương thức vận hành chương trình hạt nhân, kể cả việc cho phép tiếp cận cơ sở làm giàu uranium thứ hai trong vòng hai tuần tới, để giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc hoan nghênh tiến bộ đạt được tại cuộc đàm phán ở Geneve và kêu gọi các bên liên quan tiếp tục tăng cường nỗ lực ngoại giao để theo đuổi một giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Trong một tuyên bố, Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Thành Cạnh Nghiệp, đại diện Trung Quốc trong cuộc đàm phán, nhắc lại cam kết của Trung Quốc phối hợp với cộng đồng quốc tế và đóng vai trò xây dựng trong việc xúc tiến một giải pháp thông qua thương lượng đối với vấn đề này.

Trong một diễn biến liên quan, nữ phát ngôn viên IAEA, bà Gill Tudor cho biết Tổng Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei sẽ tới Tehran theo lời mời của chính quyền Iran "để thảo luận một số vấn đề".

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết ông ElBaradei sẽ tới Iran vào cuối tuần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục