Thế giới thiếu 6 tỷ USD để phòng chống HIV/AIDS

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, trong năm 2011, thế giới thiếu tới 6 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu.
Các báo cáo mới nhất của Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), Nhóm các nhà quản lý quỹ châu Âu về HIV/AIDS (EFG) và Tổ chức các nhà quản lý quỹ liên quan đến AIDS (FCAA) cho biết trong năm 2011, thế giới thiếu tới 6 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu.

Ông John Barnes, Giám đốc chấp hành FCAA, khẳng định phản ứng toàn cầu về HIV/AIDS thành công suốt 30 năm qua đã chứng tỏ sức mạnh của cam kết chính trị và tài chính.

Thành công trong cuộc chiến phòng chống căn bệnh thế kỷ này đã được ghi nhận với hơn 6 triệu người đã được cứu sống. Trong bối cảnh này, cần tăng cam kết chính trị và tài chính để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tận dụng những cơ hội mới nảy sinh từ 30 năm qua nhằm tránh cho nhân loại phải làm lại từ đầu cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, các quỹ từ các chính phủ tài trợ chống HIV/AIDS đã giảm mạnh trong năm 2010. Quỹ tài trợ nhân đạo từ các chính phủ Mỹ và châu Âu chỉ đạt 612 triệu USD trong năm 2010, giảm 7% so với năm 2009. Số các nhà tài trợ hơn 300.000 USD cho HIV/AIDS giảm 30% trong ba năm qua.

Các nguồn tài trợ phi chính phủ từ Mỹ giảm từ 492 triệu USD năm 2009 xuống 459 triệu USD năm 2010, trong khi các nguồn tài trợ phi chính phủ từ châu Âu giảm 6% từ 163 triệu USD năm 2009 xuống 153 triệu USD năm 2010.

UNAIDS, FCAA và EFG kêu gọi các nhà tài trợ nhân đạo mở rộng vòng tay nhân đạo để tăng các nguồn quỹ tài trợ, tiếp tục những thành quả của cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS trong suốt 30 năm qua.

Mỗi USD bị mất có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm HIV mới, nhiều sinh mạng bị cướp đi và làm ngưng trệ phản ứng của thế giới đối với căn bệnh thế kỷ này.

UNAIDS đã phát triển khuôn khổ đầu tư, trong đó dự báo có thể tránh được 12,2 triệu ca nhiễm HIV mới và 7,4 triệu ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS từ năm 2011 đến năm 2020 nếu quỹ phòng chống HIV/AIDS tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2015.

Đầu tư mang tính chiến lược từ hôm nay không chỉ cứu được nhiều người, mà còn tiết kiệm được nguồn chi phí điều trị khổng lồ trong tương lai.

Thế giới có cơ hội lớn để đạt được mục tiêu này, nhưng cần những nỗ lực phối hợp trên toàn cầu từ mọi lĩnh vực, trong đó các nhà tài trợ nhân đạo đóng vai trò quan trọng để hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS lan tỏa tới được những người chịu tác động mạnh nhất của HIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục