Thế giới tiếp tục phản ứng việc Iran làm giàu urani

Dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng sau khi Iran ngày 9/1 xác nhận bắt đầu làm giàu urani tại một boongke ngầm dưới lòng đất.
Dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng sau khi Iran ngày 9/1 xác nhận bắt đầu làm giàu urani tại một boongke ngầm dưới lòng đất ở cơ sở hạt nhân Fordo, gần thành phố Qom.

Trong một phản ứng mạnh từ Washington ngày 10/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng việc làm trên của Iran sẽ đưa nước này tiến một bước quan trọng đến gần khả năng làm giàu urani ở cấp độ cao để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh "không có lý lẽ thỏa đáng nào" để Tehran biện minh cho việc làm mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã xác nhận là "đặc biệt đáng lo ngại."

Bà Hillary Clinton cũng nhắc lại kêu gọi Iran ngừng tất cả các hoạt động như vậy và trở lại đàm phán với các cường quốc thế giới (nhóm P5+1 gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Nga cũng bày tỏ quan ngại động thái trên của Iran. Trong tuyên bố đăng trên trang web, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Mátxcơva lấy làm tiếc và lo ngại khi nhận được tin về hoạt động làm giàu urani của Iran. Chúng tôi phải lưu ý rằng Tehran đang tiếp tục bỏ qua những yêu cầu của quốc tế muốn giải tỏa sự lo ngại về chương trình hạt nhân của nước này."

Tuyên bố của Nga kêu gọi tất cả các bên liên quan cuộc tranh cãi kéo dài này "không có những bước đi hấp tấp và nóng vội" có thể cản trở Iran và Nhóm 5 +1 nối lại đàm phán. Mátxcơva cũng hối thúc Tehran hợp tác chặt chẽ với IAEA, đồng thời kêu gọi "khởi động vào thời điểm sớm nhất có thể cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và các cường quốc mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào."

Trong khi đó, Ấn Độ, một trong những nhà nhập khẩu chính dầu mỏ từ Iran, đã lên tiếng bảo vệ quyền của Tehran được phát triển chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của mình. Trong chuyến thăm Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. M. Krishna khẳng định quan điểm kiên định của New Delhi là "mọi quốc gia có quyền theo đuổi các tham vọng năng lượng hạt nhân," song việc này cần nằm trong giới hạn mà IAEA đã vạch ra.

Trung Quốc, cũng là nước nhập khẩu chính dầu mỏ của Iran, đã lên tiếng bác bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành năng lượng Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố không thể giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bằng cách dựa hoàn toàn vào các biện pháp trừng phạt.

Cùng ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã đến Trung Quốc nhằm vận động Bắc Kinh ủng hộ việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong ngày 11/1.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trọng tâm của cuộc hội đàm là kêu gọi Trung Quốc ủng hộ các động thái trừng phạt Iran, trong đó có những biện pháp tài chính nhằm vào ngân hàng trung ương Iran. Giới phân tích dự đoán ông Ghếtnơ sẽ đối mặt với khó khăn do Trung Quốc từ trước đến nay luôn phản đối việc gia tăng sức ép đối với Tehran.

Trong một diễn biến liên quan, báo chí Ixraen ngày 10/1 dẫn các nguồn tin Iran cho rằng Tehran đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử thiết bị hạt nhân dưới lòng đất với sức công phá 1 kilôtôn trong năm nay.

Trước đó, tờ "Thời báo London" dẫn nghiên cứu của một nhóm chuyên gia đứng đầu là tướng Giora Eiland, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, dự báo vụ thử hạt nhân đầu tiên của Iran sẽ diễn ra vào tháng 1/2013. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia này, cả Mỹ và Ixraen sẽ không sử dụng vũ lực để ngăn cản.

Còn tại Iran, hãng thông tấn bán chính thức ISNA ngày 10/1 đưa tin chỉ huy bộ binh của Lục quân Iran, Tướng Ahmad- Reza Pourdastan cho biết lực lượng bộ binh nước này sẽ tiến hành một cuộc diễn tập trong tháng 2 tới, trong đó, các chiến thuật mới sẽ được triển khai đồng thời nhiều khí tài quân sự mới sẽ được sử dụng. Kênh truyền hình vệ tinh Press TV cùng ngày dẫn lời Tướng Puađaxtan nói rằng cuộc diễn tập sẽ được tiến hành ở miền Đông Iran trong nửa cuối tháng sau.

Trong khi quan hệ giữa Mỹ và Iran đang rất căng thẳng, ngày 10/1 một tàu Mỹ đã cứu được 6 ngư dân Iran trên biển sau khi tàu của họ bị đắm. Chiều cùng ngày, các ngư dân trên đã được tàu Mỹ bàn giao cho một tàu phòng vệ bờ biển của Iran. Tuần trước, hải quân Mỹ đã giải cứu 13 ngư dân bị hải tặc bắt giữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục